Âm nhạc

Cảnh báo mất quyền tác giả âm nhạc

Quỳnh Phạm 20:37 14/05/2023

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa có những chia sẻ đến các thành viên, chủ sở hữu quyền tác giả về vấn đề bản quyền tác giả.

Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC, qua tìm hiểu thông tin từ các thành viên, đơn vị được biết hiện nay trên thị trường đang diễn ra tình trạng một số công ty, cá nhân kinh doanh nhạc tìm cách liên hệ, đặt vấn đề ứng trước (trả trước) cho thành viên một khoản tiền để thành viên hủy hợp đồng ủy quyền với VCPMC và ký hợp đồng chuyển nhượng bán đứt hoặc hợp đồng độc quyền hoặc hợp đồng chuyển quyền sử dụng cho phép công ty, cá nhân đó sử dụng tác phẩm âm nhạc để kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực.

ban-quyen-am-nhac.png
VCPMC vừa có những chia sẻ đến các thành viên, chủ sở hữu quyền tác giả về vấn đề bản quyền tác giả. (Ảnh minh họa).

Từ đây, VCPMC nhận thấy nếu tình trạng trên tiếp tục diễn ra, thành viên sẽ bị mất quyền tác giả đối với tác phẩm của mình hoặc mất quyền kiểm soát hoặc khó kiểm soát quyền tác giả mà pháp luật đang bảo hộ cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

VCPMC khuyến cáo các nhạc sĩ, thành viên cần lưu ý nếu ký hợp đồng chuyển nhượng bán đứt: trước mắt thành viên sẽ nhận về một khoản tiền nhất định nhưng thành viên sẽ không còn là chủ sở hữu quyền tác giả và bị mất vĩnh viễn các quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, trong khi đó thời hạn tác phẩm được bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và có giá trị thừa kế cho gia đình thêm 50 năm nữa theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ.

“Thời gian qua, đã có không ít trường hợp làm tác phẩm phái sinh hoặc cover nhưng xuyên tạc, đánh mất tinh thần, giá trị nguyên bản, giá trị nghệ thuật và thông điệp của tác phẩm gốc, có thể gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả theo quy định quyền nhân thân tại khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ”, đại diện VCPMC cho biết.

Trường hợp sử dụng quyền làm tác phẩm phái sinh thì ngoài việc phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả theo khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ nhưng nếu thành viên không có thời gian và phương tiện để theo dõi thì việc kiểm soát sẽ rất khó trên không gian mạng internet do “hiệu ứng đám đông” phát tán rất nhanh, dễ phát sinh tranh chấp giữa thành viên với chủ sở hữu quyền tác giả là công ty, cá nhân nhận chuyển nhượng mua đứt.

ban-quyen-am-nhac.jpg
Một số chương trình và cuộc thi nhan sắc thời gian qua cũng bị cho là vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc.

Hiện nay, với xu thế số hóa và công nghệ 4.0, tác phẩm của thành viên được phổ biến, sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới thông qua mạng internet, nền tảng mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok,…, nguồn lợi thành viên thu về qua các năm cộng lại sẽ lớn hơn rất nhiều so với số tiền thành viên nhận được nếu “bán đứt”.

VCPMC khuyến cáo thêm, nếu ký hợp đồng độc quyền, chuyển quyền sử dụng nhưng các nhạc sĩ không giới hạn về phạm vi và thời gian sử dụng, sau này tuy hết thời hạn độc quyền hoặc sử dụng nhưng quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng trong bản ghi vĩnh viễn thuộc về bên độc quyền hoặc bên nhận chuyển quyền; thành viên không thể kiểm soát và không nhận được tiền nhuận bút trong trường hợp họ hợp tác kinh doanh với các tổ chức, cá nhân khác.

Thậm chí thành viên còn bị “đánh gậy” trên nền tảng YouTube nếu thành viên phát hành bản ghi có giai điệu trùng lặp với bản ghi của bên độc quyền hoặc nhận chuyển quyền đã phát hành trước đó; nếu thành viên chuyển quyền trùng lặp cho bên khác có thể dẫn đến trách nhiệm bồi thường khi có tranh chấp xảy ra.

Với luôn mong muốn bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, VCPMC mong muốn các thành viên cân nhắc, thận trọng trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến tác phẩm của mình./.

Quỳnh Phạm