Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phú Tàng (huyện Sóc Sơn)

Sơn Dương (t/h) 08:52 10/05/2023

Đình Phú Tàng thuộc xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Phú Tàng là một trong 4 làng cổ nằm ở phía bắc của xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, một vùng trung du bán sơn địa sớm được định cư và có nền văn hoá từ lâu đời, nơi gắn bó với nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc và cũng là mảnh đất mang đậm nhiều truyền thống dân gian. Bắc Phủ nằm tiếp giáp bên dòng sông Cầu với những sự tích từ thời Thánh Gióng đánh giặc Ân. Bên cạnh đó, nơi đây là địa bàn hoạt động của các nữ tướng thời Hai Bà Trưng, nơi diễn ra các trận đánh của anh em Trương Hống, Trương Hát, nơi tuẫn tiễn của các vị tại ngã Ba Xà vào thế kỷ VI.

Đình Phú Tàng thờ Thành hoàng là thánh Tam Giang: Trương Hống, Trương Hát, những vị tướng giúp nước thời Lý Bí lãnh đạo nhân dân đánh quân Lương đô hộ nước ta. Năm 542, Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, anh em Trương Hống và Trương Hát là những người theo về giúp đầu tiên và có kế sách thuỷ binh giúp Lý Bí đánh giặc. Lý Bí lên ngôi vua, lập nhà nước Vạn Xuân năm 544, đặt niên hiệu là Lý Nam Đế, anh em họ Trương được phong thưởng cấp thực ấp trông coi vùng Kinh Hoa, Kinh Bắc; sau đó anh em họ Trương lại ra sức phò giúp Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) khôi phục lại chủ quyền đất nước... Do mắc mưu của Lý Phật Tử, Triệu Quang Phục bị thua và mất, anh em họ Trương lui về vùng ấp ở ẩn để tránh đổ máu, và đã quyên sinh ở ngã Ba Xà. Nhớ công lao của hai ông, làng Phú Tàng và các nơi khác lập đền thờ anh em họ Trương.

Đình Phú Tàng được khởi dựng từ khá sớm, các tư liệu thành văn còn lưu lại trong đình cho biết di tích đã trải qua nhiều lần trùng tu nên ngôi đình hiện nay mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Đình Phú Tàng được xây theo hướng đông nam gồm 3 gian 2 chái làm kiểu 4 mái với các đầu đao uốn cong lên trông bề thế nhưng vẫn mềm mại, 4 góc đình được xây 4 trụ để đỡ đầu đao. Mái lợp ngói ta, nền lát gạch đỏ 30 x 30cm. Bờ nóc đắp hình rồng chầu mặt trời, hai bên bờ dải có các con xô hình nghệ chầu, bốn góc đao là 4 con rồng. Phía trước hiện là một khoảng rộng 1m, mở 3 cửa bức bàn, hai gian chái là cửa cạnh gỗ ghép ván. Kết cấu kiến trúc của toà Đại đình trông rất bề thế. Bốn bộ vì chính và hai phần mái chái hai bên. Các bộ vì đều được thiết kế theo kiểu chung: “Thượng chồng rường giá chiêng hạ là kẻ và bẩy”. Riêng gian giữa được người xưa thay bằng những cây gỗ làng để trang trí. Hai mái chái làm cân xứng chồng xà trụ chống trên xà nách về hai bên. Mỗi bộ vì chính được định vị trên 6 hàng chân cột bằng gỗ rất chắc chắn, cột làm kiểu “thượng thư”, “hạ thách”. Đá tảng kê chân chìm dưới nền. Trong nhà Đại đình được để trống tạo không gian thoáng rộng cho sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Hậu cung làm nối liền với gian giữa của nhà Tiền tế gồm hai gian dọc, mái lợp ngói ta, nền nát gạch.

Trải qua thời gian với những biến cố thăng trầm của lịch sử đã làm cho kiến trúc di tích bị hư hỏng, một số di vật bị thất lạc. Tuy nhiên, đình Phú Tàng hiện nay vẫn còn bảo lưu được bộ di vật văn hoá lịch sử với nhiều chủng loại và chất liệu khác nhau như: 13 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho các Thần hoàng làng, 1 cuốn thần tích, bức cửa võng sơn son thiếp vàng được chạm khá cầu kỳ, tỉ mỉ, 1 ngai thờ kép dạng khám trang trí rồng chầu mặt nguyệt, hoa cúc, hoa mai... sơn son thiếp vàng nghệ thuật thế kỷ XIX.

Đình Phú Tàng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)