Danh thắng & Di tích Hà Nội

Quán Phú Hạng (huyện Quốc Oai)

Sơn Dương (t/h) 08:38 12/05/2023

Quán Phú Hạng thuộc xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Quán mang tên địa danh làng Phú Hạng, nay thuộc xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Di tích còn có tên là quán Ngọ. Có thể đến di tích theo đường Hà Đông - Quốc Oai, qua đình So (ven sông Đáy) độ hơn 1km, hỏi đường vào Phú Hạng là tới nơi.

Quán Ngọ tên chữ là “Tiên Long từ” (có lẽ mượn tên đất và tên chùa) - là một ngôi miếu nhỏ, được xây dựng trong thời gian gần đây. Quán cùng với chùa hợp thành một cụm di tích phong quang được điểm xuyết bởi những cây lưu niên, khiến nơi đây vẫn là một mảnh đất đậm nét văn hoá truyền thống Việt.

Về mặt kiến trúc nghệ thuật, quán Ngọ không có gì đáng quan tâm lắm. Tuy nhiên, nó đã chứa đựng nhiều khía cạnh về văn hoá dân gian, nhất là ở các tỉnh liên quan. Thông thường ngôn từ “quán” là để chỉ đền thờ Lão giáo, giáo, về các cuộc hành lễ đôi khi nặng yếu tố huyền bí. Quán Ngọ vừa mang tính chất một di tích nhỏ, vừa là một di tích đạo giáo, song vừa phản ánh về tư duy mênh mông thủa trước, nơi đây thờ Ả Lã Nàng Đê và Linh Lang. Tất nhiên huyền thoại khó tránh khỏi sự gán ghép lịch sử, vì thế Ả Lã vừa là con của Lữ Gia (cuối thế kỷ II trước công nguyên) và vừa là tướng của Hai Bà Trưng (giữa thế kỷ I), đã có công lớn trong việc đuổi quân Tô Định, rồi trở thành Thành hoàng làng của nhiều nơi. Có thể Ả Lã là một nhân thần. Còn Linh Lang thì nhiều khả năng là một thiên thần được lịch sử hoá sự tích nói, ông là con của Lý Thánh Tông. Trước đó, bà ngoại ông mơ thấy một mẩu đuôi rắn ở sao Thái Âm rơi vào lòng mà sinh ra mẹ ông là Hạo Nương, bà rất xinh đẹp, được Lý Thánh Tông tuyển làm vương phi. Một lần về thăm nhà, tắm ở hồ Tây, bà bị giao long quấn. Từ đó có thai, sau 14 tháng sinh ra ông. Vua đặt tên là Hoàng Lang. Mới sinh ra được một thời gian thì nước nhà có giặc, Hoàng Lang như Phù Đổng, cũng đi đánh giặc, cầm cờ lệnh cưỡi voi đến đâu thắng đó, giặc tan ông đã trở về nói rõ lai lịch là con long quân và xin về thuỷ quốc. Ông biến thành rắn trắng dài trăm trượng và lao xuống hồ Tây. Từ đó dân nhiều nơi lập đền thờ. Có thể thấy, câu chuyện này bắt nguồn từ ý thức cầu nguồn nước và chống lụt để cày cấy của dân ta từ cổ xưa - trong đó thần nước rắn trắng đã đem phúc tới cho dân lành được kết tụ bởi toàn bộ khí âm - dương (7 âm 7 dương nên người mẹ chửa 14 tháng, ở đây số 7 là số nhiều và thiêng thuộc văn hoá phương Nam Á).

Như thế, vượt qua những lời kể và cách ứng xử với di tích có vẻ dị đoan, thì vượt lên trên vẫn là vẻ đẹp tâm linh muôn đời, muôn thủa của tổ tiên ta.

Quán Phú Hạng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)