Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phú Mỹ (quận Nam Từ Liêm)

Sơn Dương (t/h) 08:33 11/05/2023

Đình Phú Mỹ thuộc phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đình Phú Mỹ thuộc thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, nằm về phía tây nam thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 12km. Đình Phú Mỹ thờ Lý Phật Tử và Ả Lã Nàng Đê - một nữ tướng anh tài của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Ngôi đình được xây dựng trên một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, một vùng quê đã từng in những dấu tích của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 45), cũng là căn cứ của Lý Nam Đế (554 - 558) dựng luỹ đất để chống quân Lương xâm lược.

Gắn với việc phụng thờ Thành hoàng làng, đình Phú Mỹ còn là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống mang nét độc đáo so với các địa phương quanh vùng. Hội hát ả đào do phường hát họ Vũ thường đi các vùng hát cửa đình, không chỉ ở Mỗ - La - Canh - Cót, Phú Gia, Nhật Tân, Tứ Tổng... mà còn sang tận Phù Đổng - Gia Lâm và Đình Bảng - Tiên Sơn (Bắc Ninh). Ở xóm chợ, thôn Phú Mỹ, còn nhà thờ họ Vũ trên tường khắc ba chữ “ca công sứ”, còn ngai thờ ông tổ nghề hát và bà tổ Đào Thị Mẫu (bà đã được nhà vua phong tặng là: “Nam quốc danh ca Đào Thị Mẫu”.

Các công trình kiến trúc của đình được bố cục hài hoà trong một khoảng không gian rộng, khép kín theo lối nội công, ngoại quốc.

Một mô hình kiến trúc tôn giáo đình làng điển hình của thế kỷ XIX còn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Các công trình kiến trúc liên kết với nhau, hài hoà và ăn nhập khăng khít. Toà phương đình dựng trên nền cao hơn so với mặt sân 20cm, xung quanh nền bó vỉa gạch, một nếp nhà một gian, bốn hàng chân cột mái làm kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, phần dốc mái, đầu đao, cổ diêm được trang trí hình rồng và hình tứ linh, phần kiến trúc gỗ bên trong được trang trí đậm đặc các mảng chạm với những đề tài quen thuộc như: rồng cuốn thuỷ, trúc lão, mai lão.

Toà Đại đình, một nếp nhà chạy ngang, 5 gian 2 chái, mặt bằng 8 hàng chân. Các thức vì tạo kiểu giá chiêng - chồng rường - hạ cốn. Trên kiến trúc gỗ toà Đại đình được trang trí các mảng chạm khắc với đề tài khá độc đáo như hai mảng chạm trên hai bức vì cốn hai bên hồi tả hữu: hình tiên cưỡi rồng, xen lẫn với hình long, ly, quy phượng.

Bốn bức đầu gian giữa được đục chạm trau chuốt hình rồng miệng ngậm ngọc, râu xoắn mang đậm phong cách thế kỷ XVIII - XIX. Toà Hậu cung 3 gian chạy dọc về phía sau. Hai dãy Tả hữu mạc xây song song với nhà Ống muống và Phương đình, khép kín khu kiến trúc thành chữ “quốc”.

Ngoài những giá trị đã nêu trên, đình Phú Mỹ còn bảo lưu được một hệ thống di vật, nhiều về số lượng và đa dạng về chủng loại, nhiều tài liệu Hán Nôm có giá trị. Hai cuốn Ngoạ phả sao năm Duy Tân (1913), 21 đạo sắc phong thần của các triều đại Lê - Tây Sơn - Nguyễn, trong đó có 4 đạo sắc niên hiệu Cảnh Hưng, hai đạo sắc niên hiệu Chiêu Thống và hai đạo niên hiệu Tây Sơn. Một tấm bia “Sự lệ bi ký” niên hiệu Cảnh Hưng.

Đình Phú Mỹ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)