Tác giả - tác phẩm

Có gì trong “Sư phạm khai phóng: Thế giới, Việt Nam và tôi”?

Hoa Quỳnh 08:10 10/05/2023

Tiến sĩ, nhà giáo dục Giản Tư Trung vừa giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Sư phạm khai phóng: Thế giới, Việt Nam và tôi”.

Cùng với cuốn sách gần đây nhất “Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” đã được tái bản lần thứ 12, đến “Sư phạm khai phóng: Thế giới, Việt Nam và tôi”, tác giả Giản Tư Trung chuyên tâm đào sâu về giáo dục và sư phạm để tiếp tục sứ mệnh góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của Giáo dục Khai phóng tại Việt Nam.

sach-giao-duc.jpg
“Sư phạm khai phóng: Thế giới, Việt Nam và tôi”, cuốn sách của Tiến sĩ Giản Tư Trung vừa ra mắt bạn đọc.

Cuốn sách mới ra mắt của nhà giáo dục Giản Tư Trung được chia thành 5 chương. Trong đó chương một nói về triết lý giáo dục, chương hai giới thiệu 10 lý thuyết học tập mà theo tác giả là quan trọng nhất, được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử. Ở chương ba là những phân tích các phương pháp sư phạm, trong đó có nhiều cách giảng dạy được các thầy cô trên khắp thế giới áp dụng. Chương bốn mở rộng ra tầm vĩ mô, nói đến các chính sách sư phạm ở một số quốc gia chọn lọc bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Phần Lan, Nhật và Singapore.

Phần cuối cùng sẽ là góc nhìn về thực tế sư phạm ở Việt Nam cũng như đề xuất một mô hình giáo dục khai phóng để các thầy cô có thể tham khảo, từ đó có thể tự hình thành nên phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn và nhân văn hơn cho riêng mình trong môi trường và hoàn cảnh cụ thể của mình.

sach-giao-duc.png
Tiến sĩ Giản Tư Trung trong buổi tọa đàm ra mắt sách “Sư phạm khai phóng: Thế giới, Việt Nam và tôi” vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh.

“Sư phạm khai phóng: Thế giới, Việt Nam và tôi” đã chia sẻ một số góc nhìn riêng của tác giả và tổng hợp những phương pháp sư phạm từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thế giới đến Việt Nam, từ đó mỗi người có thể tự hình thành nên một phương pháp sư phạm hiệu quả hơn và nhân văn hơn cho riêng mình trong mọi bối cảnh giáo dục.

Tác giả chọn khai thác “phương pháp sư phạm” vì đây là linh hồn và là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, các thầy cô và từng ngôi trường ở bất cứ nơi đâu. Bởi lẽ, chúng ta muốn đào tạo ra những con người như thế nào thì cần áp dụng những phương pháp sư phạm tương ứng.

Đồng thời, theo quan điểm của tác giả thì: “Dạy chính là giúp người khác học”, và “Khai phóng chính là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình”, thế nên, trọng tâm của phương pháp sư phạm chính là “giúp người khác học” thế nào để họ có thể “Tự lực Khai phóng” bản thân, có thể “Tự lực Khai mở Tâm trí và Giải phóng Tiềm năng” của chính mình.

Trong sự học thời nay, việc ta biết nhiều bao nhiêu chưa phải là điều quan trọng, mà quan trọng là ta làm được gì với những điều mình biết. Do vậy, cuốn sách này còn gợi mở những nguyên lý và phương pháp sư phạm mà các nhà trường, thầy cô và phụ huynh có thể cân nhắc và lựa chọn áp dụng trong bối cảnh giáo dục cụ thể, từ đó cải thiện công việc giảng dạy và sự nghiệp giáo dục của mình.

Nói cách khác, khi đọc cuốn sách này, độc giả sẽ cùng nhau du hành trong một chuyến đi của không gian và thời gian, từ nhìn ra thế giới, nhìn về Việt Nam, rồi nhìn lại chính mình. Từ đó soi lại quá khứ, nhìn vào hiện tại và hướng tới tương lai để có thể vạch ra một “con đường sư phạm” phù hợp cho chính mình, cho ngôi trường mình và cho giáo dục của xứ sở mình trong bối cảnh mới.

Tiến sĩ Giản Tư Trung hiện là Chủ tịch sáng lập Học viện Quản lý PACE; Viện trưởng Viện Giáo dục IRED và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Ngoài ra, ông còn là người khởi xướng và giữ vai trò Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng “Sách Hay” nhằm khuyến đọc sách hay cho cộng đồng.

Cùng với vai trò lãnh đạo, nghiên cứu, giảng dạy, diễn thuyết và viết báo, nhà giáo dục Giản Tư Trung còn là người khởi xướng và xây dựng 4 tủ sách thiết yếu (mua bản quyền, tổ chức biên dịch và xuất bản) nhằm phục vụ cho các nhóm độc giả khác nhau: “Tủ sách Kinh điển” (dành cho Học giới), “Tủ sách Doanh trí” (dành cho Doanh giới), “Tủ sách Giáo dục” (dành cho Giáo giới) và “Tủ sách Khai phóng” (dành cho Công chúng).

Ông nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện sau Đại học Geneva; Tu nghiệp về Chính sách Giáo dục Quốc tế tại Đại học Harvard; Tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore; tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Đại học London (UCL).

Hoa Quỳnh