Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phú Mỹ (huyện Mê Linh)

Sơn Dương (t/h) 17:13 08/05/2023

Đình Phú Mỹ thuộc xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Đình thờ nhị vị tướng quân của Hai Bà Trưng là cặp vợ chồng Hùng Bảo, Trần Nương.

Trong cuốn “Việt thường thị Trưng vương công thần Bảo Vương Hải bộ chủ phụ đạo đại vương Ngọc phả” do Nguyễn Bính viết vào năm 1572 và Nguyễn Hiền sao lại vào năm 1737 có đoạn nói về vợ chồng Hùng Bảo như sau:

Vào thời Hán Nguyên Đế, ở nước ta, bộ chủ bộ Hải Dương là Hùng Trọng, kết duyên cùng bà Trương Quyền. Hai ông bà sinh hạ được một người con trai đặt tên là Hùng Bảo. Năm Hùng Bảo lên 10 tuổi thì cha là Hùng Trọng, bộ chủ bộ Hải Dương qua đời. An táng cha xong, Hùng Bảo thay cha làm bộ chủ Hải Dương. Đến năm ông 19 tuổi với tài năng, đức độ của mình, các bậc anh hùng, hào kiệt khắp nơi tìm về quy phục. Năm ông 21 tuổi thì mẹ qua đời, ông an táng mẹ cẩn thận. Một năm sau, Hùng Bảo đi tuần du đất nước ngắm cảnh núi sông. Đến huyện Chu Diên, nhân dân bái tạ và lập một cung để ông nghỉ. Bấy giờ huyện tể Chu Diên là Trần Công có con gái là Trần Thị Nương hết sức xinh đẹp, nết na lại tài giỏi. Nàng là bậc hào kiệt trong giới nữ nhi. Trong huyện có một người tên là Đinh Công Dũng vốn là một hào phú, dũng lược và có thế lực muốn dạm hỏi Trần Nương làm vợ, nhưng Trần Công không gả vì đã hứa gả con gái mình cho con trai ông Hùng Trọng. Nay, thấy Hùng Bảo đích thân đến thật xứng đôi, liền gả cho. Hùng Bảo tổ chức lễ cưới Trần Nương. Được tin ấy, Đinh Công Dũng vô cùng tức tối, đem hơn 100 gia binh thân thuộc đến đánh phá đám cưới, cướp lại Trần Nương. Đinh Công Dũng đã bị Hùng Bảo chém chết, đám cưới tiếp tục được tiến hành. Sau đó, Hùng Bảo khao thưởng quân sĩ, dân làng rồi đưa Trần Nương về Hải Dương.

Năm Giáp Ngọ, vua Hán Quang Vũ sai Tô Định sang làm thái thú Giao Châu. Tô Định vô cùng bạo ngược, tàn sát, áp bức dân lành. Bè đảng của Dương Công Dũng đã cấu kết với giặc Hán, bắt giết Trần Công. Được tin cấp báo, vợ chồng Hùng Bảo, Trần Nương kéo quân về nhưng không kịp. Thương xót cha, Trần Nương đã làm lễ an táng cho cha tại trang Thái Lai (nay là thôn Thái Lai - xã Tiến Thắng) và cho lập một cung ở đó để ngày đêm canh gác mộ phần Trần Công (cung này bây giờ trở thành đền Thái Lai); Hùng Bảo thì đóng cung ở Tuyền Liệt (thuộc thôn Phú Mỹ - xã Tự Lập ngày nay) cách đấy không xa.

Thù nhà, nợ nước chất đầy hai vai, hai vợ chồng Hùng Bảo, Trần Nương đã chiêu dụ hào kiệt, anh tài được hơn 300 người. Đội thị vệ do Trần Nương chỉ huy có 42 nữ tướng tài giỏi. Từ đó, vợ chồng Hùng Bảo, Trần Nương càng nổi tiếng. Các anh hùng, tù trưởng trong vùng đều khâm phục. Bấy giờ trong huyện có hai chị em bà Trưng dòng dõi vua Hùng. Trưng Trắc cũng bị giặc giết mất chồng là Thi Sách, nên rất căm thù và đang chiêu tập binh mã để khởi nghĩa. Biết tin vợ chồng Hùng Bảo cùng chí hướng đã mang hịch đến chiêu dụ (hôm ấy là ngày 11 tháng tám năm Canh Tý). Hùng Bảo rất phấn khởi liền tập hợp hết tráng sĩ, gia thần được 800 người và đội quân của Trần Nương gồm 251 nữ binh đến hội quân cùng Bà Trưng. Trưng Nữ cả mừng cho khao thưởng quân sĩ. Phong cho Hùng Bảo làm Tiết chế tiền quân, Trần Nương làm Trưởng lĩnh quân trung nữ tốt. Sau đó Trưng Nữ làm lễ tế cáo trời đất, thánh thần rồi chia quân 2 đạo thuỷ bộ tiến đánh quân Tô Định. Quân Tô Định thua to phải tháo chạy về nước. Nghĩa quân thừa thắng thu lại 65 thành trì trên toàn cõi Nam Bang. Bà Trưng Trắc lên ngôi vua, xưng là Trưng Vương; phong cho em Trưng Nhị là Bình Khôi công chúa, phong cho Hùng Bảo là Thiên Bảo hộ quốc đại vương, phong cho Trần Nương là Ả Nương hoàng công chúa. Các tướng sĩ khác cũng đều được phong thưởng.

Đất nước thái bình, Hùng Bảo xin vua cho về cung ấp. Trưng Vương  lại ban thưởng cho vợ chồng Hùng Bảo 300 lạng vàng, bạc. Ban cho Hùng Bảo đất Toàn Liệt, ban cho Trần Nương đất Thái Lai làm thực ấp. Lúc sống thì làm cung ấp, lúc chết làm chỗ phụng thờ mãi mãi.

Trưng Vương ở ngôi được 3 năm thì nhà Đông Hán sai Mã Viện, đem 20 vạn quân sang xâm chiếm, báo thù. Trưng Vương liền cho triệu vợ chồng Hùng Bảo về kinh để mang quân cự chiến. Ông bà mang quân thẳng đến đất Đô Dương - Cửu Chân chiến đấu với quân Hán. Ông chém liền hơn 10 tướng giặc, song quân giặc quá đông, biết khó cự được nên ông bà phá vòng vây, chém liền mấy tướng giặc nữa rồi chạy về đất Chu Diên. Quân giặc đuổi theo, đến bến Tuyền Liệt ông, bà lao xuống sông tuẫn tiết.

Thương mến và cảm phục vợ chồng người tướng tài giỏi, trung liệt, Trưng Nữ Vương và các đời vua sau này đều phong mỹ tự cho ông bà Hùng Bảo - Trần Nương. Phong cho Hùng Bảo là “Uy linh hiển ứng thiên bảo hộ quốc đại vương”. Phong cho Trần Nương là “Ả Nương Hoàng công chúa đại vương linh phù chi thần”.

Tưởng nhớ đến công lao to lớn của vợ chồng người tướng tài ba, trung liệt, nhân dân Phú Mỹ lập đình thờ hai vị, tôn Hùng Bảo làm Thành hoàng làng. Vào các dịp lễ tết, các ngày ông bà tuẫn tiết đều sắm sửa lễ nghi, đèn nhang thờ phụng.

Đình Phú Mỹ toạ lạc trên gò đất cao ở trung tâm làng Phú Mỹ, xã Tự Lập. Đình quay hướng đông nam theo dòng chảy của sông Cà Lồ. Đình có mặt bằng bố cục như sau: Ao đình - cổng trụ, sân, toà Đại đình. Hai bên toà Đại đình có 2 toà Tả vu, Hữu vu.

Toà Đại đình có bố cục chữ “đinh” kết cấu các vì theo kiểu thức chồng rường, giá chiêng. Các hệ thống vì được liên kết với nhau bởi các đại giằng là các xà thượng, xà trung, xà hạ. Các cột được tạo tác theo kiểu “Thượng thu, hạ thách” gồm 48 cột đều có hòn kê bằng đá.

Về nghệ thuật trang trí, các nghệ nhân đã sử dụng triệt để các cấu kiện kiến trúc để thể hiện các hình tượng trang trí. Đó là điêu khắc trên các bức cốn, xà, đầu dư, kẻ, bẩy. Các tác phẩm điêu khắc bao gồm đề tài sinh hoạt của con người, các con vật, hoa, lá, vân mây.

Mặc dù bia ký và niên đại tuyệt đối ghi chép thời gian xây dựng ngôi đình không còn. Nhưng qua nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc, nghệ thuật trang trí của ngôi đình, ta có thể đoán định rằng đình Phú Mỹ được xây dựng vào thế kỷ XVII. Đây là một di tích lịch sử - văn hoá quý giá mà cha ông ta để lại cho con cháu muôn đời sau.

Đình Phú Mỹ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)