Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phú Lương (huyện Ứng Hòa)

Sơn Dương (t/h) 17:03 08/05/2023

Đình Phú Lương thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Nguyên xưa, vùng đất Phú Lương thuộc tổng Phú Cầu, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam.

Đình Phú Lương toạ lạc ở đầu làng trên một thế đất đẹp, phía trước có dòng sông mới được nhân dân khai thông mà xưa kia gọi là ngòi Bối. Xung quanh có nhiều cây cổ thụ toả bóng xuống mái đình tạo nên một cảnh quan đẹp. Nhìn tổng thể, đình Phú Lương là một ngôi đình đẹp có niên hiệu thời Nguyễn. Vào năm 1914, niên hiệu Duy Tân thứ 8, ngôi đình đã được tu sửa lớn và cho đến ngày nay đình có lối kiến trúc chữ “đinh”, quay hướng tây nam. Toà Đại bái gồm 5 gian, Hậu cung 3 gian. Các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “giá chiêng, cốn, bẩy”. Đáng chú ý nhất là 4 bức cốn ở hai bộ vì gian giữa chạm khắc tích “long ngư hí thuỷ” rất sinh động. Ngoài ra còn chạm tích tứ linh. Toàn bộ các cấu kiện trong đình còn đẹp và vững chãi. Bên trong Đại bái và Hậu cung bài trí đồ thờ khá phong phú về thể loại và đẹp về trang trí.

Đình Phú Lương thờ Thành hoàng Bạch Lợi. Cuốn thần phả do Nguyễn Bính, là Đông các Đại học sĩ làm ở Viện Hàn lâm biên soạn vào thời Lê, niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1572) rồi được sao lại vào triều Nguyễn, niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852) cùng với 7 đạo sắc phong cho biết: Thần vốn có tài văn võ, thông thiên đạt địa. Ngài đã cùng với Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn và Quý Minh đánh giặc Thục, giúp vua Hùng giữ yên đất nước. Trong quá trình hành quân, Phú Lương là địa điểm được ngài chọn để dựng đồn binh đánh giặc, sau đó ngài đã hoá ở đây. Do có công với dân với nước, nên nhân dân thôn Phú Lương suy tôn ngài làm Thành hoàng làng. Các triều đình phong kiến ban sắc phong thần là Đương cảnh Thành hoàng Bạch Lợi đại vương, Dực bảo trung hưng linh phù chi thần.

Đình Phú Lương đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1988./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)