Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phú Hữu (huyện Mỹ Đức)

Sơn Dương (t/h) 17:01 08/05/2023

Đình Phú Hữu thuộc xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Ngày 19/4/1991 Bộ Văn hoá và Thông tin Quyết định số 680VH/QĐ công nhận đình Phú Hữu là di tích kiến trúc nghệ thuật. 

Đình Phú Hữu thờ tưởng niệm vị Bố Chiếu Đôn ngưng linh ứng đại vương đã có công đánh giặc Nguyên - Mông xâm lược nước ta vào thế kỷ XIII.

Bản thần phả được soạn năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738) hiện lưu giữ tại đình cho biết ngài quê ở trang Vị Hoàng, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Thủa nhỏ, cha đặt tên là Trần Thông, lớn lên ngài văn võ song toàn. Thời đó, giặc Nguyên-Mông xâm lược nước ta. Nhà vua lệnh cho Trần Thông dẫn đầu đại binh ra trận dẹp giặc ở phía nam thành Thăng Long. Khi đến trang Phú Hữu, ông cho quân dừng lại và ngồi nghỉ tại khu miếu của làng. Được dân ở đây kính mến, cầu thần phù trợ cho ông đánh thắng giặc. Quả nhiên, trong những trận nghĩa quân giao tranh với giặc đều lập được nhiều chiến công. Đất nước thanh bình, vua Trần Nhân Tông (1278 - 1293) khen thưởng, ông đã về làng Phú Hữu và ban tiền bạc cho nhân dân. Khi ngài hoá, dân làng Phú Hữu đã suy tôn ngài làm vị Thành hoàng làng và vua phong tặng là: “Uy Linh hộ quốc đương vũ dực khánh bảo cảnh hiển hiệu, hùng kiệt trợ thắng thượng đẳng thần”.

Ngoài vị thần Trần Thông, đình Phú Hữu còn thờ một vị thiên thần tên là Từ Lôi đại vương.

Toà Phương đình kết cấu kiểu 2 tầng 8 mái, đao uốn cong. Bộ vì do 4 cột trung tâm chịu lực chính, liên kết theo cách thức: “Thượng ván mê, hạ cốn chồng rường, bảy”, trong đó quan trọng để tạo nên hình dáng Phương đình là do 4 kẻ góc.

Toà Đại bái gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, hai mái lợp ngói ri mỏng. Bộ vì trên kết cấu 4 hàng chân, theo cách thức: “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ cốn mê, bảy hiện”. Trên các cấu kiện của bộ vì mà tập trung nhất là bức cốn ở vì nách các gian đều chạm hoa văn trang trí, đề tài là tứ linh, tứ quý, hổ phù, hoa văn lá, chữ hỉ...

Hậu cung gồm 3 gian với các bộ vì kiểu vì kèo, quá giang. Các cấu kiện được ghép theo kỹ thuật mộng mẹo, chủ yếu được bào trơn đóng bén.

Hiện tại đình Phú Hữu còn lưu giữ được: Hương án được chia thành nhiều ô để chạm hoa văn trang trí; cây quán tẩy bằng gỗ có dáng như một thân cây hoá rồng; con nghê bằng đá trắng; kiệu bát cống với 8 đòn dọc là đầu của 8 con rồng.../.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)