Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Phú Diễn (huyện Thanh Trì)

Sơn Dương (t/h) 09:46 08/05/2023

Đình Phú Diễn nằm ở  xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Đình thờ hai Thành hoàng làng là hoàng đế Lê Đại Hành và một vị tướng của người là Trần Thông, quê ở Phú Diễn.

Truyền thuyết dân gian vùng này vẫn thường nhắc mãi sự kiện vua Lê Đại Hành tức Lê Hoàn (941 - 1005) (vua đầu tiên nhà Tiền Lê (980 - 1009), trên đường hành quân lên phía Bắc chống giặc đã dừng chân săn bắn tại đây.

Sau lần đó làng mang tên “Đại Hành” một thời gian dài để ghi nhớ nhân vật được tôn kính nhất lúc bấy giờ. Trong đình hiện vẫn còn giữ được cuốn thần phả “Phú Diễn Lê đế phả lục” do Hàn Lâm Đông các học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572 (Nhâm Thân) và sao lại năm 1710 (Canh Dần) triều Lê Dụ Tông ghi chép khá tỉ mỉ về sự nghiệp của Lê Đại Hành.

Đình Phú Diễn tuy không lớn nhưng khá đẹp. Công trình có hai cột biểu lớn xây cách nhau 2,4m, trên đỉnh cột là một trái dành do bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau tạo thành, dưới có bốn đầu rồng hướng mặt về bốn góc. Sát chân cột có hai con sấu bằng đá quay mặt vào nhau.

Sau cột là sân gạch dẫn vào nhà Đại đình. Trong sân, trên trục cửa chính còn hai con nghê và hổ đá càng làm tăng thêm vẻ linh thiêng cho di tích.

Đại đình gồm năm gian. Gian giữa bày hương án và đồ tự khí, hai gian bên để trống, thuận lợi cho sinh hoạt văn hoá cộng đồng.

Hậu cung là một nếp nhà dọc hai gian, nối với Đại đình gian ngoài là các đồ tự khí, gian trong là cung cấm. Ngăn cách hai gian là hệ thống cửa bức bàn được chạm khắc công phu với đề tài tứ linh, tứ quý, trong Cung cấm là hai long ngai cùng một số đồ thờ tự khác.

Các mảng chạm khắc ở đình Phú Diễn thường được tập trung trên bề mặt các vì nhà; trên các con rường và đầu xà thường chạm các hình lá, vân mây... Ở các bẩy hiện là các hình đầu rồng, mũi nở, mắt lồi, râu và tóc kết thành đao nhọn bay về phía sau. Thân rồng có vẩy cá, rất phổ biến trong điêu khắc thời Nguyễn. Chưa có niên đại chính xác của đình Phú Diễn nhưng trong bia hậu có nói tới việc sửa đình từ thời Gia Long năm Đinh Mão (1807). Với hàng trăm năm tồn tại, đình còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý như: 6 tượng thú vật bằng đá, hạc gỗ, kiệu gỗ, long ngai hương án, bát hương, bát bửu đều thuộc thế kỷ XVII, XVIII; 10 đạo sắc phong của các vua và một cuốn thần phả, ba tấm bia cổ cùng nhiều hoành phi, câu đối.

Hội làng Phú Diễn ra trong 3 ngày từ ngày 7 đến ngày 9 tháng ba âm lịch. Chính hội là mồng 8 tháng ba.

Ngoài phần lễ là hội với nhiều hoạt động như leo dây, múa rối nước trên sông, múa rồng, đấu vật, hát ca trù, múa sinh tiền, bịt mắt bắt dê, bơi chải, đấu roi.

Đình Phú Diễn đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)