Chính phủ chốt phương án giảm thuế VAT xuống mức 8% đến hết năm 2023
Chính phủ nhất trí với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12 năm nay theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 72 ngày 6/5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm VAT như đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình báo cáo Quốc hội về dự thảo Nghị quyết nêu trên theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng; chủ động báo cáo, giải trình với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.
Việc giảm VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Về mức giảm, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế suất VAT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên.
Cơ sở kinh doanh tính VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Theo Bộ Tài chính, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.
Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Ngoài ra, việc tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2023 nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và phát triển trở lại để đóng góp cho ngân sách.
Đảm bảo đủ nguồn lực cho các chính sách hỗ trợ tài khóa luôn là mục tiêu quan trọng của Bộ Tài chính, như khẳng định của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc từ đầu năm nay: "Chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực quyết liệt để thực hiện thành công dự toán ngân sách, tiết kiệm trong chi ngân sách, tăng giải ngân đầu tư công và tiết kiệm trong quá trình sử dụng tài sản công, cũng như tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thoát về thuế để đảm bảo cho chính sách tài khóa được thực hiện một cách hợp lý và bền vững, minh bạch".