Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình, chùa Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm)

Sơn Dương (t/h) 18:15 06/05/2023

Đình, chùa Phùng Khoang thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Làng Phùng Khoang còn gọi nôm là làng Khoang, thuộc xã Trung Văn, huyện Từ Luyên, Hà Nội. Thời Lê gọi là Trung Quang thuộc xã Nhân Mục Môn, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1723 cho lệ vào huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Thời Nguyễn đổi là xã Ngọc Trục, tổng Đại Mỗ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Năm 1964 nhập vào huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm), Hà Nội.

Đình nằm giữa làng Phùng Khoang trên khu đất có diện tích 303,8m. Đình Phùng Khoang thờ Đoàn Thượng, một danh tướng đời Lý. Ông là người Hồng Châu (Hải Dương). Khi nhà Lý mất ngôi về tay nhà Trần, Đoàn Thượng là chiếm giữ Hồng Châu đánh nhau với nhà Trần. Sau khi ông mất, nhân dân nhiều địa phương thờ ông để nêu cao tinh thần trung liệt. Tổng số 72 nơi thờ. Trong đình còn nhiều đôi câu đối ca ngợi danh nghiệp của ông.

Đình được xây dựng khá sớm, gắn bó với cảnh sắc và con người Phùng Khoang. Trong đình còn những mảng chạm khắc thời Lê, các bản sắc phong, sớm nhất vào niên hiệu Lê Chính Hoà thứ 19 (1698). Văn bia cho thấy đình được tu sửa lớn vào các năm 1721, 1758, 1805. Đình còn được sửa chữa, nâng cấp vào những năm cuối thế kỷ XX. Đình có quy mô lớn, nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật như nhang án, kiệu, long đình, ngai, bài vị.

Chùa Phùng Khoang có tên chữ là “Thanh Xuân tự” hoặc gọi theo đơn vị hành chính địa phương cổ là chùa Phùng Khoang.

Tấm bia đá cổ nhất còn dựng ở chùa khắc năm Chính Hoà thứ 13, Nhâm Thân (1692), đời vua Lê Hy Tông có ghi: “Thường xem đất Phật ở trời Nam xứ nào cũng có. Duy chỉ có chùa Thanh Xuân, thôn Phùng Khoang, xã Nhân Mục là danh lam thắng cảnh lâu đời”.

Theo hai tấm (1887) và một tấm bia, một tấm khắc năm Đồng Khánh thứ 2, Đinh Hợi dựng năm Bảo Đại thứ 19 - Giáp Thân (1944) thì người có công tạo dựng đầu tiên chùa Thanh Xuân là công chúa Nguyễn Ngọc Nha. Công chúa đã có công xin cho Phùng Khoang có một phiên chợ riêng vào ngày 28 tết hàng năm, do vậy chợ cũng có tên là chợ Chùa. Như vậy chùa Phùng Khoang đã có lịch sử từ lâu đời.

Đến đời vua Tự Đức năm thứ 6 - Quý Sửu (1853), ông trưởng mục Nguyễn Huy Trâm cùng dân thôn đã dời chùa về phía nam thôn, tu tạo 5 gian Chính đường, 5 gian Bái đường, 3 gian Tam quan, tất cả đều lợp ngói, xung quanh xây tường bảo vệ.

Đến nay chùa còn đủ Tam quan, gác chuông, toà Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách, nhà hậu và nhiều đồ thờ hoành phi, câu đối thời Nguyễn. Trong chùa bài trí sắp đặt 24 pho tượng Phật, Tổ, Mẫu và tượng bà Chúa là những tượng nghệ thuật khá tiêu biểu của thế kỷ XIX. Chùa còn lưu giữ được 6 tấm bia đá, 7 hoành phi, 3 chuông đồng lớn đúc năm Gia Long thứ 12, Quý Dậu (1813), Tự Đức thứ 31, Mậu Dần (1878), Tự Đức thứ 34, Tân Tỵ (1881).

Lễ hội Phùng Khoang xưa cùng chung lễ hội của tổng Mọc (Nhân Mục) chính hội ngày 11 tháng hai âm lịch.

Đình và chùa Phùng Khoang đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)