Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Phùng Hưng (Thị xã Sơn Tây)

Sơn Dương (t/h) 18:11 06/05/2023

Đền Phùng Hưng thuộc xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Phùng Hưng là người ấp Đường Lâm. Ông là người nhân đức, có lòng yêu thương nhân dân. Phùng Hưng có hai người em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh. Ba anh em đều có sức khỏe phi thường: Phùng Hưng đánh được hổ, vật được trâu, hai người em cõng đá nặng ngàn cân. Do vậy mà nhân dân gần xa đều kính phục, tôn Phùng Hưng là Đô Quán, Phùng Hải là Đô Bảo. Sinh vào thời đất nước bị giặc ngoại xâm, họ đã sớm hình thành ý chí đánh đuổi giặc, độc lập, tự chủ. Họ chiêu mộ nghĩa quân hào kiệt, dấy binh, nổi dậy ở Đường Lâm chống lại ách thống trị đô hộ của nhà Đường. Nghĩa quân khi đánh thành Tống Bình thì tướng địch là Cao Chính Bình bị thua, lo lắng mà chết. Phùng Hưng nắm giữ phủ thành, tổ chức việc chính trị, xây dựng nền độc lập tự chủ lâu dài được 7 năm cho đất nước. Sau khi nhà vua mất, nhân dân nhớ ơn suy tôn là Bố Cái Đại Vương.

Tại quê hương Phùng Hưng là thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây thành phố Hà Nội, nhân dân đã lập đền tôn thờ ngài.

Quy mô hiện nay của ngôi đền đã được sửa chữa, trùng tu lớn vào thế kỷ XIX, gồm các hạng mục: Cổng nghi môn, Tả hữu mạc, Đại bái và Hậu cung. Cổng nghi môn được xây dựng đơn giản, có chức năng ngăn cách thế giới tâm linh và cuộc sống trần tục. Qua cổng là hai dãy Tả hữu mạc, mỗi dãy 3 gian, các bộ vì kèo tạo ra sự thông thoáng, tiện lợi cho các sinh hoạt cộng đồng.

Đại bái gồm 3 gian 2 dĩ, hai mái chảy lợp ngói ri. Các bộ vì trên kết cấu 4 hàng chân cột, liên kết theo cách thức: “Thượng giá chiêng rường nách, hạ kẻ chuyền, bảy hiên”. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc đơn giản, chủ yếu các mảng chạm tập trung ở đầu dư, kìm chạm rồng, rường nách chạm vân mây, lá lật, các kẻ và bẩy bào soi chạm lá qua các vân mây cách điệu...

Hậu cung gồm 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Các cấu kiện kiến trúc thiên về sự bền chắc, thâm nghiêm và tôn kính vị thần được thờ. Tượng Phùng Hưng bằng đồng được đặt ở vị trí trang trọng của Hậu cung (tượng mới làm đầu thế kỷ XXI).

Quê hương Cam Lâm không chỉ có ngôi đền thờ Phùng Hưng mà còn có các địa danh gắn liền với ông như: Vũng Hàm, đồi Hổ Gầm, đồi Xà Mẫu, giếng Ngọc, rặng duối... Đó là nơi mà anh em họ Phùng đã đánh hổ, luyện tập võ nghệ, tập trận đánh địch...

Đền Phùng Hưng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1964./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)