Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Nội (huyện Chương Mỹ)

Sơn Dương (t/h) 09:32 03/05/2023

Đình Nội thuộc Thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Đình Nội là một di tích cổ, toạ lạc tại thôn Ngọc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Xưa kia, ngôi đình này vốn được 4 giáp Đông Nội, Đoài Nội, Đông Xá và Đoài Xá của làng Chúc Sơn hưng công làm nơi sinh hoạt chung và thờ tam vị thời Hùng vương làm Thành hoàng làng. Truyền thuyết kể rằng:

Xưa ở động Lăng Xương, phủ Hưng Hoá, đạo Sơn Tây có vợ chồng ông Hàn Nguyên và bà Lê Thị Ngọc làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Ông bà vốn là người hiền lành, chuyên tích thiện. Một hôm, vợ chồng nằm mơ có người báo mộng sẽ sinh ra con trai làm rạng danh cửa nhà, nổi tiếng thiên hạ. Quả nhiên năm sau, ông bà sinh một người con trai, tướng mạo khác thường, khôi ngô tuấn tú. Ông bà đặt tên cho con là Cương Chính.

Năm Cương Chính lên 10 tuổi, không may người cha qua đời, Cương Chính theo thân mẫu về huyện Chương Đức (tức Chương Mỹ ngày nay) kiếm sống và được quan huyện là Trương Tuấn đùm bọc, nuôi dưỡng.

Bấy giờ, ở đạo Thái Nguyên, Tuyên Quang... giặc giã nổi lên như ong. Cương Chính tự nguyện tòng chinh và được vua Hùng giao cho cầm quân đánh giặc. Sau khi thắng trận trở về, ông được vua ban thưởng rất hậu và cho về trang Chúc Sơn dạy dân cấy cày, chăn tằm dệt vải. Ba năm sau, giặc Ân sang xâm lược nước ta, bấy giờ Thánh Gióng nghe sứ giả loan truyền cầu người tài giỏi giúp nước, khi ấy Thánh Gióng vươn mình trở thành một người cao lớn, sức mạnh phi thường đứng lên dẹp giặc. Cương Chính cùng hai vị thuỷ thần là Oai Linh Công và Tam Tế Công đến trợ giúp. Giặc tan, các vị đều được triều đình phong thưởng. Sau khi các ngài hoá, nhân dân địa phương lập đền thờ.

Về kiến trúc, ngôi đình này có quy mô vừa phải, với lối kiến trúc chữ “đinh” truyền thống. Căn cứ vào tấm bia “Vĩnh Khánh nguyên niên” (1729) thì đình Nội được trùng tu vào thời Lê, sau đó đến triều Nguyễn, niên hiệu Minh Mệnh lại được tu sửa. Nhìn chung, các hạng mục kiến trúc hiện nay mang đậm dấu ấn thời Nguyễn.

Hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội từ ngày 11 đến ngày 13 tháng giêng âm lịch. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính, phần hội tổ chức nhiều hoạt động văn hoá truyền thống như đấu vật, ca hát…

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1988./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)