Đình Ninh Giang (huyện Gia Lâm)
Đình Ninh Giang còn có tên gọi là đình xóm 8, thuộc thôn Ninh Giang, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Theo bài văn được ghi trên tấm bia “Hậu thần bia ký” tại đình thì đình được xây vào năm Ất Tỵ (1605) và hoàn thành năm 1607. Tương truyền đình được xây dựng để tưởng nhớ công ơn của Hoài Đạo Vương Nguyễn Huy Nộn. Làng quê truyền thống, lai lịch và sự tích của người đã được sử sách xưa ghi chép lại khá nhiều. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử lược”, thần tích đình Công Đình, Ninh Giang đã nói khá nhiều đến nhân vật Nguyễn Huy Nộn: Nguyễn Nộn người làng Phù Đổng (tổng Phù Ninh), nổi dậy vào cuối thời nhà Lý. Khi nhà Lý suy thoái, ông trở lại quê nhà làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh cho dân, mở trường dạy học, khai thông dân trí, xây dựng phòng tuyến ở Ninh Giang, Công Đình, phòng khi nhà Trần đến xâm phạm. Khi nhà Trần được kiến lập (1226), biết Nộn là người yêu nước có tài, vua Trần đã phong tước cho Nguyễn Nộn là Hoài Đạo Vương (Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương), gả công chúa Nguyễn Thiều và giao nhiệm vụ cầm quân đi dẹp một số thủ lĩnh cát cứ ở địa phương, thống nhất đất nước. Sau một thời gian (1229), ông ốm nặng và mất tại quê nhà, nhân dân quanh vùng, những nơi ông đóng quân, mở trường dạy học, chữa bệnh đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông.
Ngoài việc thờ thần Nguyễn Nộn làm Thành hoàng, đình hiện còn thờ thần Lý Nhũ Thái Lão dược sư thần linh. Trước kia thần được thờ ở tại điếm Kiều (xóm 6), sau nhân dân rước ngai, bài vị về thờ tại đây.
Chùa được trùng tu sửa chữa lớn vào năm Minh Mệnh thứ 5 (1825). Nhà Phương đình được xây dựng vào năm 1910.
Đình Ninh Giang là một ngôi đình lớn, toạ lạc trên một khu đất cao, rộng, trong khu vực cư trú của làng, quy mô lớn với nhiều nếp nhà ngang, dọc. Tam quan đình mới được nhân dân công đức xây dựng lại với nhiều hoa văn, chạm trổ theo thuyết tứ linh. Qua Tam quan là một sân gạch rộng dẫn vào khu kiến trúc chính của đình. Nhà Tiền tế làm theo kiểu 2 tầng, tám mái, bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, 2 đầu bờ nóc đắp hình 2 con kìm hình đầu rồng, tạo diện trang trí hoa văn hình rồng phượng. Đại đình có quy mô lớn hình chữ “đinh” gồm Đại bái và Hậu cung. Đại đình là một kiểu nhà ngang, 5 gian, 4 mái. Trên bờ nóc cũng đắp hình rồng chầu mặt nguyệt và các hoạ tiết hình rồng. Lòng nhà khá rộng, gồm 5 gian, 2 dĩ.
Hậu cung gồm 3 gian nhà dọc nối với 2 gian giữa nhà Đại đình. Trong nhà Hậu cung, gian giữa được làm gác lửng, nửa trong bưng ván kín để làm cung cấm, trong cung cấm đặt long ngai, bài vị và các đồ tế khí, nửa ngoài để trống trên đặt mâm bồng, bát hương và các đồ thờ tự.
Đình còn bảo lưu được một số di vật văn hoá lịch sử khá phong phú đa dạng, có giá trị nghệ thuật cao, có niên đại từ thời Lê đến Nguyễn, tiêu biểu như: Hệ thống sắc phong, kiệu thờ thời Lê, hương án, cửa võng cùng nhiều đồ thờ khác.
Hàng năm, dân làng vẫn duy trì lễ hội vào ngày mùng 8, mùng 9 tháng giêng âm lịch với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian phong phú.
Đình Ninh Giang đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1997./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01