Đình, chùa Nhân Hoà (huyện Thanh Trì)
Đình, chùa Nhân Hoà thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đình Nhân Hoà thuộc thôn Nhân Hoà, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Xã Tả Thanh Oai có 4 thôn: Nhân Hoà, Siêu Quần, Tả Thanh Oai và Thượng Phúc. Trước năm 1945 là xã Siêu Quần, thuộc tổng Đại Dinh và 3 xã Nhân Hoà, Tả Thanh Oai và Thượng Phúc, thuộc tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai. Sau các xã cũ thành thôn, gọi là xã Đại Thanh. Năm 1968 gọi là xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai. Từ năm 1979 thuộc huyện Thanh Trì.
Đình Nhân Hoà là ngôi đình cổ xây dựng từ thời Lê. Đình thờ Đoàn Thượng Công và bà Triệu Thị Lã là bà phi đời Trần Nhân Tông. Cả hai người đều được cấp đất, phong thần từ thời Trần.
Hiện nay, đình có kiến trúc kiểu chữ “đinh”, bằng gỗ lim, gồm Đại đình và Hậu cung. Đại đình là ngôi nhà 3 gian, xây bít đốc, phía trước có trụ biểu. Trong đình, gian giữa lát gạch, 2 gian bên được tôn cao làm chỗ ngồi. Hậu cung gồm 2 gian, các đầu vẩy đại đình đều được chạm hoa lá, vân xoắn. Cửa Hậu cung làm theo kiểu thượng song, hạ bản, trên có y môn chạm rồng chầu. Đình Nhân Hoà còn giữ được nhiều đồ thờ tự và sắc phong qua các triều đại.
Hội làng Nhân Hoà chính là hội đình. Trước đây có 4 tiết lễ: 15 tháng 2, 12 tháng 11, 12 tháng 5 và 12 tháng 8 âm lịch là ngày sinh và ngày hoá của đức thánh Bà và đức thánh Ông. Ngày nay, lễ hội được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng hai âm lịch. Ngày 14/2; mở cửa đình, tế cáo yết, ngày 15 rước kiệu thánh từ đình ra chùa thỉnh kinh rồi rước về. Phần trò vui có chọi gà, đánh cờ, hát ca trù...
Chùa Nhân Hoà có tên chữ là Phúc Lâm tự, được dựng trên khoảnh đất thoáng đãng, trước sau có cây cổ thụ. Trước chùa là tam quan được xây cao, bề thế. Qua Tam quan là một sân lát gạch rộng rãi. Kiến trúc chính của chùa hiện nay còn Tiền đường, Hậu cung, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà tăng và vườn tháp. Chùa xây dựng theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, 7 gian Tiền đường với những cột lim cao to, vững chãi. Hậu cung nối với Tiền đường đều được làm theo kiểu chồng rường, có bức cốn chạm rồng.
Chùa còn giữ được đầy đủ các tượng Phật được tạo tác từ thời Lê về sau này, tổng cộng có 41 pho, nhiều pho lớn và đẹp. Đặc biệt, chùa Nhân Hoà còn bảo lưu được tấm bia đá, một cây hương bằng đá và một chuông cổ. Đó là những bảo vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.
Đình và chùa Nhân Hoà đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01