Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Nha (quận Long Biên)

Sơn Dương (t/h) 10:49 04/05/2023

Đình Nha thuộc phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.

Đình Nha nằm trong một khuôn viên bằng phẳng bên sườn đê sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội gần 10km. Thời Lê, khu vực này thuộc thôn Nha, xã Cổ Linh, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc; đến thời Nguyễn là tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1961 đến năm 2003 thuộc xã Long Biên, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Hiện nay, di tích thuộc phường Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Đình Nha được gọi là Nha Thôn - một làng cổ nằm trong khu vực dày đặc các dấu tích văn hoá lịch sử lâu đời của dân tộc. Cách làng không xa về phía đông nam là “Viễn Dịch quán”. Từ thời Lý đến thời Lê Trung hưng đây là nơi dừng chân của các sứ thần phương Nam trước khi vào Thăng Long bệ kiến triều đình. Giáp phía đông là đô cũ Cổ Bị được dựng thời Lê - Trịnh. Theo sách Thượng Kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thì đầu thời Lê, Nha Thôn là một đồn binh lớn do quân Đại Việt xây dựng để chống giặc phương Bắc. Năm Nhâm Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43, sau khi bốc thuốc chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm ở Thăng Long, trên đường về quê cũ Hải Dương, Lê Hữu Trác có qua Thôn Nha, thấy cảnh “chùa miếu huy hoàng, gà gáy, chó sủa ran làng xóm, tiếng hát của nông dân vang vọng khắp cánh đồng” đã tạo cảm hứng cho ông sáng tác bài thơ nổi tiếng trong chuyến đi này.

Đình Nha thờ vị phúc Thần Linh Lang đại vương. Linh Lang là một nhân vật phổ biến trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt, đặc biệt quan trọng đối với người dân Thăng Long, vì đây chính là vị Thần trấn giữ phía tây Kinh thành.

Hiện nay, cho dù chưa tìm được tư liệu đề cập đến niên đại khởi dựng chính xác của ngôi đình, nhưng trên câu đầu của đình vẫn còn lưu giữ niên đại của những lần tu sửa đình vào thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX). Đứng trên mặt đê sông Hồng nhìn xuống có thấy ngôi đình nằm trong một khuôn viên gọn và đẹp. Đình có bố cục hình chữ “tam” với 3 nếp nhà nằm liên tiếp nhau nhìn về hướng nam, gồm Đại đình, Trung đình và Hậu cung.

Đình Nha còn lại một số hiện vật có giá trị như bức hoành phi có bốn chữ Hán lớn Thượng đẳng tối linh, di vật này được làm ở Huế vào thế kỷ XIX và do một vị đại thần của vương triều Nguyễn làm giai tế của làng cung tiến. Ngoài ra, còn long ngai, bài vị, bộ kiệu, long đình mang đặc trưng của nghệ thuật thế kỷ XIX đều là những hiện vật quý cần được bảo quản và lưu giữ.

Đình Nha đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)