Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà thờ Nguyễn Khả Trạc (quận Cầu Giấy)

Sơn Dương (t/h) 18:38 02/05/2023

Nhà thờ Nguyễn Khả Trạc thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Nằm ở trung tâm huyện Từ Liêm trước đây, nay thuộc quận Cầu Giấy, vùng quê Mai Dịch đã sản sinh ra một nhân vật lịch sử quan trọng trong thời Lê Trung hưng, đó là danh nhân Nguyễn Khả Trạc (1598 - 1672). Ông có tên huý là Nền, còn có tên là Cù, tự là Văn Trạc và Đơn Nghiệm. Cha là nhà nho nổi tiếng Nguyễn Lân, mẹ là bà Hoàng Thị Ngọc Hiên.

Theo cuốn gia phả của dòng họ, Nguyễn Khả Trạc sinh năm Mậu Tuất đời vua Lê Thế Tông. Trước ngày sinh, bà mẹ mộng thấy dân làng cả tổng đến giúp việc đắp nền nhà, khi ông ra đời, mới nhân giấc mộng đặt tên là Nền.

Vốn sinh ra trong gia đình có học, lại có thiên tư đĩnh ngộ chí khí hơn người, tuổi nhỏ Nguyễn Khả Trạc được cha dạy dỗ nên sớm lầu thông kinh sử, học vấn uyên thâm. Năm 24 tuổi, ông đã đỗ Quốc Tử Giám giám sinh, được tuyển vào giảng dạy trong cung. Năm Đức Long thứ 3 (1631), triều đình mở khoa thi, Nguyễn Khả Trạc lúc đó 33 tuổi đã tham dự lần đầu, đỗ ngay Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Sau khi thi đỗ, ông được triều đình tuyển bổ làm quan chức cần chính sự, giám sát ngự sử đạo Hải Dương. Hai năm sau, năm Đức Long thứ 6 (1634), Nguyễn Khả Trạc được thăng chức Hiến sát phó sứ thành hình các xứ Nghệ An.

Sách “Từ Liêm đăng khoa lục” cho biết, khi ở Nghệ An, ông đã thẳng tay trừng trị bọn tuần nha ở Biện Sơn làm nhiều điều hà nhũng nên được triều đình và phủ chúa hết lòng khen ngợi.

Năm Dương Hoà thứ 5 (1639), Nguyễn Khả Trạc được thăng chức Đề hình, làm Mậu Lâm Lang, đề hình giám sát ngự sử, tu thận y hạ. Năm 1642, thăng Hoàng tín đại phu, Thái phó tự khanh, tước Diễn thọ tử. Sau đó được thăng Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu tá trị thượng khanh.

Phúc Thái năm thứ 3 (1645), theo sự tiến cử của tả tướng Thái uý Tây quốc công Trịnh Tạc, vua Lê Chân Tông đã phong cho ông làm Hộ bộ Hữu thị lang, tước Diễn thọ bá. Năm Nhâm Thìn niên hiệu Khánh Đức (1652) được cử làm giám thị, khoa thi hội này đã diễn ra nghiêm túc và đạt kết quả tốt.

Thịnh Đức nguyên niên (1653), Nguyễn Khả Trạc được thăng từ Hộ bộ Hữu thị lang lên Lại bộ Tả thị lang vào làm việc trong phủ chúa. Thời gian này ông còn được cử làm Tham nghị quân vụ cùng với Thái Bảo Khê quận công Trịnh Trương đi đánh quân Nguyễn ở đàng trong. Lần Nam chinh này, ông đã có mưu kế hay khiến cho quân Bắc tránh khỏi những thiệt hại, tổn thất. Năm 1656, được cử giữ chức Binh bộ tả thị lang, Bồi tụng làm việc trong chính phủ. Trong năm này Nguyễn Khả Trạc đến thăm chùa Láng - một thắng cảnh nổi tiếng ở sát kinh thành Thăng Long. Vâng theo ý chúa, đã làm bài văn bia “Tạo lệ chùa Chiêu Thiền”. Bài văn hay này đã dịch và giới thiệu trong “Tuyển tập văn bia Hà Nội”.

Năm Thịnh Đức thứ 5 (1657) được phong tước hầu, đạo sắc phong của triều đình ban cho ông ngày mùng 10 tháng mười năm Thịnh Đức thứ 5 ghi rõ: “Sắc cho Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lại bộ Tả thị lang, Diễn thọ bá trụ quốc trung trật làm trong phủ chúa có nhiều tài cán, tham gia trì hoạch cơ mưu, có công giữ cho quốc gia được yên, lại có ngôn luận giỏi, được triều đình bình xét thăng làm Ngự sử đài, tước Hầu trụ quốc trung trật”. Do làm việc mẫn cán, sáng tạo nên ông còn được vua Lê Thần Tông ban tặng chữ “Khả”, do vậy tên gọi Nguyễn Văn Trạc được đổi thành Nguyễn Khả Trạc từ thời gian này.

Vì tuổi già sức yếu, năm 1665, Nguyễn Khả Trạc xin về trí sĩ, nhà vua cấp ruộng cho ông ở trạm Mai Dịch để dưỡng già. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ất Tỵ năm thứ 3 (1665), mùa hạ tháng tư, Tả thị lang Lễ bộ Từ Liêm hầu Nguyễn Khả Trạc vì tuổi già xin về trí sĩ. Vua y cho gia thăng Công bộ Thượng thư Từ Liêm công, lại cấp cho lộc điền để dưỡng già”.

Về nghỉ tại Mai Dịch, Nguyễn Khả Trạc vui với cảnh làm vườn, đọc sách, dạy học. Đối với dân làng ông có rất nhiều công đức trong việc mở mang giáo hoá, phát triển quê hương. Một lần về quê bà vợ hai là con gái quan phụ quốc Thượng tướng quân Vân quận công ở Vĩnh Lộc, ông đã xây dựng cho hai làng Vĩnh Lộc và Hữu Bằng một khu chợ và làm nhiều việc công đức khác. Dân làng Hữu Bằng đã dựng bia ghi lại công đức và hai làng đều bầu ông làm hậu thần phối thờ ở đình làng.

Trước khi mất, Nguyễn Khả Trạc đã làm đôi câu đối yêu cầu con cháu khắc vào gỗ để truyền mãi về sau:

Phiên âm:

Canh độc truyền gia vô biệt sảo,
Kiệm cần tu kỷ hữu dư năng”.

Tạm dịch:

Sản xuất và đọc sách cần lưu truyền trong nhà không có gì bằng, Chăm chỉ, tiết kiệm và chăm sửa mình thì mới có thể khá được”.

Ngày mùng 9 tháng tám năm Dương Đức thứ 2 (1672), Từ Liêm công Nguyễn Khả Trạc mất, thọ 75 tuổi. Được tin này, triều đình vô cùng thương tiếc, vua Lê ban sắc gia tặng Hộ bộ Thượng thư. Đạo sắc viết: “Sắc cho Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, bồi tụng Công bộ Thượng thư liêm quận công, trí sĩ thượng trụ quốc thượng giao Nguyễn Khả Trạc, làm bồi thị đã lâu, làm nhiều chức trong phủ hoài trấn, nhiều lần lĩnh trách nhiệm dẹp trừ giặc có công lao. Nay nghe tin (qua đời) lòng thương xót, từng ban sắc. Nay lại tặng Hộ bộ Thượng thư, tước Liêm Quận Công. Vậy ban sắc, ngày 27 tháng 11 năm Dương Đức thứ 2 (1672)”. Tưởng nhớ đến công đức của ông, dân làng Mai Dịch đã thống nhất tôn ông làm hậu thần phối thờ cùng đức thượng đẳng Lý Phật Tử. Trong ngôn ngữ giao tiếp của làng cấm dùng chữ “Trạc” để kiêng huý của vị hậu thần.

Nhà thờ Nguyễn Khả Trạc hiện toạ lạc trên một khu đất rộng, trong khu vực cư trú của dân làng. Di tích có kết cấu hình chữ “Công” gồm Tiền tế, Phương đình và Hậu cung. Các kiến trúc này được xây dựng theo hướng tây, trông ra khu vườn rộng.

Hiện nay tại di tích còn lưu giữ bộ di vật văn hoá có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Trong đó, 14 đạo sắc phong thần của các triều đại ban cho Nguyễn Khả Trạc khi ông còn đương chức tại triều và cho các vị phụ mẫu vì đã có công sinh được người tài cho đất nước.

Xuất thân từ khoa bảng, Nguyễn Khả Trạc còn là một nhà văn, một nhà thơ. Trước tác của ông khá nhiều song ngày nay chỉ còn lưu lại một số sáng tác của ông như văn bia “Tạo lệ chùa Chiêu Thiền”, một số bài thơ lưu trữ trong dòng họ. Số tác phẩm ít ỏi lưu lại cho đời đó cũng cho thấy ông là nhà văn hoá có tâm hồn trong sáng, nặng lòng yêu thương dân. Lời tuyên đọc “Vi thiện tối lạc” (Làm điều thiện rất vui) đã phản ánh tấm lòng nhân ái, tâm hồn trong sáng của Nguyễn Khả Trạc. Thật đúng như đánh giá ngợi ca của đời sau trên tấm bia “Hậu thần Nguyễn tướng công”.

Về giá trị kiến trúc nghệ thuật, nhà thờ Nguyễn Khả Trạc có quy hoạch hợp lý, các nếp nhà được xây dựng cân đối tạo ra sự hài hoà. Đây là một kiến trúc đẹp, tỷ lệ cân đối và có thể sánh ngang với nhiều di tích ở đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Phần đóng góp không nhỏ để nâng cao giá trị di tích là hệ thống bia đá gồm 8 tấm, ghi việc phụng thờ hậu thần và những quy định của dòng họ trong việc tế lễ, đất đai ở các xứ đồng... Đặc biệt, tấm bia “Nguyễn Tộc từ đường” cho biết nhà thờ được xây dựng ngay từ khi danh thần Nguyễn Khả Trạc qua đời. Theo dòng thời gian, quy mô của di tích cũng được mở rộng và hoàn thiện dần. Các thế hệ kế tiếp sau luôn quan tâm sửa chữa, bảo vệ, giữ gìn. Lần tu bổ lớn được ghi lại trên kiến trúc vào thời Bảo Đại. Hàng năm vào ngày giỗ tổ, con cháu trong dòng họ lại tề tựu đông đủ để tưởng niệm, ôn lại công đức của danh nhân Nguyễn Khả Trạc.

Đến với di tích nhà thờ họ Nguyễn Khả Trạc, chúng ta không chỉ có dịp tìm hiểu, nghiên cứu về danh nhân văn hoá Nguyễn Khả Trạc ở thế kỷ XVII, mà còn được biết thêm về một dòng họ có truyền thống yêu nước, hiếu học nổi danh trong lịch sử.

Nhà thờ Nguyễn Khả Trạc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử lưu niệm danh nhân năm 1995./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)