Văn hóa – Di sản

Nhà hát Cao Văn Lầu - công trình kiến trúc văn hóa độc đáo của Việt Nam

Kim Thoa (T/h) 06:00 02/05/2023

Nhà hát Cao Văn Lầu có hình ba nón lá đan xen nhau là công trình nhà hát mang tên cố nhạc sĩ, cha đẻ của Dạ cổ hoài lang - Cao Văn Lầu tọa lạc tại khu vực trung tâm của quảng trường Hùng Vương, phường 1, thành phố Bạc Liêu.

1-nha-hat-cao-van-lau_bac-lieu.jpg

Bạc Liêu là tỉnh nằm ở vùng bán đảo Cà Mau, mảnh đất lừng danh một thời bởi nhiều giai thoại về “Công tử Bạc Liêu”, một vùng quê giàu đẹp, có những cánh đồng lúa, đồng muối thẳng cánh cò bay. Đặc biệt, vùng đất này gắn liền với tên tuổi của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, “cha đẻ” của bài “Dạ cổ hoài lang”. Bạc Liêu được xem là “cái nôi” của nền ca cổ nhạc Nam Bộ.

Năm 2014, khi vừa hoàn thành, 2 công trình văn hóa của Bạc Liêu đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) quyết định công nhận đạt danh hiệu Kỷ lục Việt Nam. Đó là “Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu” (gọi tắt là Nhà hát Cao Văn Lầu) có hình dạng ba chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam và “Cây đờn kìm cách điệu lớn nhất, biểu tượng văn hóa tỉnh Bạc Liêu”.

21a02009-1.jpg

Mới đây, Nhà hát Cao Văn Lầu tiếp tục được độc giả Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn vào “Top 7 công trình kiến trúc độc đáo” trong khuôn khổ chương trình “Top 7 ấn tượng Việt Nam 2022”.

Mang hình ảnh ba chiếc nón lá nổi bật giữa lòng TP. Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu mang nét đẹp không chỉ ở góc độ kiến trúc mà còn hàm chứa bản sắc văn hóa độc đáo, cả chung lẫn riêng. Nói về ý nghĩa chung và bao quát, ba nón lá là biểu trưng cho ba miền Bắc - Trung - Nam của đất nước Việt Nam. Ba chiếc nón lá với tầng ý nghĩa này khi chụm vào nhau là biểu trưng cho thế đứng vững vàng “vững như kiềng ba chân” như dân tộc Việt Nam vốn là khối đại đoàn kết từ trong truyền thống lịch sử xa xưa. Về sắc thái riêng trên xứ sở bản “Dạ cổ hoài lang”, đó chính là cộng đồng ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa cùng chung tay đoàn kết từ thời mở đất cho đến hiện tại và tương lai.

Nón lá còn là biểu trưng cho nét đẹp của người phụ nữ Nam Bộ. Nón lá che mưa, che nắng cho người phụ nữ trên đồng, nón lá tất tả cùng chị em ra chợ, nón lá dịu dàng song hành cùng tà áo dài Việt Nam. Nón lá bình dị mà đẹp lạ kỳ trong nhiều bức ảnh đời thường và nghệ thuật. Chiếc nón làm nên nét đẹp dịu dàng của người phụ nữ Nam Bộ - Việt Nam đã tỏa nét đẹp trên một công trình văn hóa Bạc Liêu!

Nhà hát ba nón lá ở Bạc Liêu có tổng diện tích 2.262 m2, được chia làm 3 khối có hình trụ tròn, mái hình chiếc nón lá hướng vào nhau. Trong đó, chiều cao nhất là 24,25 m; đường kính 45,15 m; mái lợp composite.

Ba chiếc nón cũng là phần trên cùng của 3 khối nhà. Khối nhà A là nơi diễn ra các sự kiện, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống như: Cải lương, dù kê, ca múa nhạc đương đại... với sức chứa hơn 850 chỗ. Khối nhà B là khu vực dành cho trung tâm hội thảo, hội nghị tầm cỡ khu vực và khối nhà C là nơi dành riêng để tổ chức các buổi triển lãm, trưng bày văn hóa nghệ thuật thu hút khách du lịch đến tham quan.

Công trình được thiết kế theo mô hình ba chiếc nón lá vừa mềm mại, vừa sống động, gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động của người phụ nữ Việt Nam, dịu dàng, duyên dáng, chịu thương, chịu khó. Công trình do Kiến trúc sư Vương Hoàng Lê (thuộc Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh) thiết kế nhân sự kiện Bạc Liêu đăng cai tổ chức Festival công nhận Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2013.

Với kiến trúc độc đáo, ấn tượng, nhà hát Cao Văn Lầu nổi bật vẻ đẹp truyền thống mộc mạc, giản dị và rất đỗi quen thuộc. Công trình này được xây không chỉ để vinh danh cố nhạc sỹ tài ba Cao Văn Lầu, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị vật chất và tinh thần của người dân Nam Bộ trong quá trình phát triển đời sống văn hóa của mình, là điểm đến hấp dẫn của tỉnh Bạc Liêu.

Kim Thoa (T/h)