Lễ hội truyền thống giao hảo hai làng Mục Xá - Viên Ngoại
Làng Mục Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai và làng Viên Ngoại, xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Hai làng tuy thuộc hai huyện khác nhau, nhưng lại rất gần nhau vì đều ở bên bờ trái sông Đáy. Từ lâu, hai làng cùng thờ một vị Thành hoàng làng đó là Giác Hải Đại Vương – người con trai thứ 32 trong bọc trứng 100 người con của Mẹ Âu Cơ. Tưởng nhớ công ơn của đức Giác Hải Đại Vương, dân hai làng hàng năm đều tổ chức lễ hội từ ngày mồng Chín đến ngày 12 tháng Ba Âm lịch.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội làng được tổ chức thường xuyên hàng năm. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vì đất nước có chiến tranh nên việc tổ chức lễ hội phải tạm dừng. Từ khi đất nước được hòa bình thống nhất lễ hội lại được phục hồi. Những năm gần đây thì hai làng cùng ký Khế ước là tam niên nhất lệ (tức cứ một năm mở hội lại nghỉ hai năm, sang năm thứ ba lại rước).
Theo Cụ Vũ Đảo - Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Mục Xá thì: “Đình làng Mục Xá là nơi thờ em trai thứ 32 của vua Hùng Vương thứ 17 có hiệu là Luy Lý. Khi đến đất Cao Dương, ngài thấy phong cảnh hữu tình bên bờ sông Đáy nên đã dừng chân xây làng lập ấp, dạy dỗ cách làm ăn sinh sống và bảo vệ dân làng. Nhớ ơn công đức ngài nhân dân đã lập miếu thờ suy tôn ngài là Thành Hoàng làng. Vào khoảng năm 1923 thuộc thế kỷ 20, ngôi miếu thờ ngài do một trận phong thủy đã nhấn chìm toàm bộ và cuốn trôi bài vị theo dòng sông xuống một xã giáp danh thuộc huyện Ứng Hòa. Sau đó hai thôn Mục Xá (Cao Dương) và Viên Ngoại (Viên An, Ứng Hòa) đã cùng thờ chung một vị Thành hoàng làng. Hằng năm nhân dân hai làng có mối giao hảo cùng luân phiên nhau cứ vào ngày 10/3 âm lịch là ngày giỗ tổ của vua Hùng là làm giỗ tế lễ ghi ân công đức”.
Trước ngày diễn ra lễ hội, ông Trần Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Cao Dương - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết: “đến nay công tác chuẩn bị đang được Ban tổ chức cũng như chính quyền và người dân khẩn trương hoàn thiện, đặc biệt là các điều kiện về cơ sở vật chất tổ chức lễ hội: công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan các tuyến đường ra, vào khu vực tổ chức lễ hội; các phương án đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ… nhằm đảm bảo công tác tổ chức lễ hội thành công tốt đẹp, an toàn, ấn tượng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cổ vũ, động viên người dân các thôn thi đua lao động sản xuất thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2023”. Các hoạt động lễ hội gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần Lễ gồm: Lễ mở cửa đền, Lễ rước bách thần (Lễ rước kiệu qua hai làng), Lễ dâng hương, Lễ Tế Yên vị, Lễ tạ. Phần Hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống và hiện đại tại không gian lễ hội gồm: biểu diễn múa lân, múa rồng (Lồng ghép trong Chương trình Lễ rước nước, Lễ rước kiệu); tổ chức các trò chơi dân gian (Cờ người, Cây đu, Kéo co, bắt cá…); hoạt động thể thao, văn nghệ, ca múa nhạc…
Phát huy tinh thần đoàn kết cũng như các giá trị văn hoá truyền thống ông cha để lại, hàng năm cứ đến ngày chính Hội làng mồng Mười tháng Ba dân làng Mục Xá lại xuống lễ ở đình và đền Viên Ngoại; dân làng Viên Ngoại lại lên lễ ở đình, miếu làng Mục Xá; cùng nhau tế lễ Thánh Thần cầu xin cho dân hai làng được ấm no hạnh phúc./.