Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 15:02 27/04/2023

Nhà thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Xa xưa, làng Bối Khê nguyên là đất khu vực trầm Bối Trang. Đến thời Lê, Bối Khê tách thành Hồng Khê và Bối Khê. Vào triều vua Tự Đức vì kiêng tên huý Hồng Khê được đổi thành Thanh Khê. Đến triều vua Duy Tân, Thanh Khê được đổi thành Phúc Khê thuộc tổng Bối Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, hai thôn Bối Khê và Phúc Khê hợp nhất thành thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Từ đó đến nay, nhà thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực vẫn thuộc làng Bối Khê, xã Tam Hưng.

Cuốn Bối Khê Trạng nguyên gia phả (hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho biết: Nguyễn Trực (1417 - 1474) tên chữ là Công Tiệp, hiệu là Hu Liêu, người xã Bối Khê, phủ Ứng Thiên, huyện Thanh Oai. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), đời Lê Thái Tông.

Ông sinh ra ở am núi Phật Tích, núi Sài Sơn (chùa Thầy) năm Đinh Dậu. Thuở nhỏ do ham học nên ông thường ngồi trên mình trâu mà đọc sách. 12 tuổi Nguyễn Trực đã nức tiếng thơ văn trong vùng, 18 tuổi dự thi Hương đỗ đầu được vào trường Giám đọc sách.

Năm Nhâm Tuất, tức năm Đại Bảo thứ 3 (1442), ông dự thi Đình và đỗ Trạng nguyên. Và trong lần đi sứ Trung Quốc, ông dự kỳ thi Đình và cũng đỗ Trạng nguyên. Vì thế, mọi người thường gọi ông là Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Đầu năm Thái Hoà (1443) đời Lê Nhân Tông, Nguyễn Trực được giao giữ chức Hàn lâm Trực học sĩ, sau lại cho làm An phủ xứ Nam Sách. Ít lâu sau, ông được thăng chức Hàn lâm Thị giảng. Năm Ất Hợi, niên hiệu Diên Ninh thứ nhất (1454), Nguyễn Trực về nhà chịu tang mẹ, người khắp nơi đến xin theo học rất đông, lên đến hàng nghìn. Nhiều bậc cự nho, danh sĩ, khoa bảng từng là học trò của ông.

Sau khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, năm Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466) giao cho ông giữ chức Trung thư lệnh, nhưng ông đang bệnh, lại tuổi cao nên ông xin được miễn để chữa bệnh dưới chân núi Đại Lại, xã Bạch Thạch, huyện Mỹ Lương, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Lưu luyến con người tài đức ấy, vua Lê Thánh Tông mời Nguyễn Trực ở kinh đô chữa bệnh.

Vào năm Hồng Đức thứ 4 (1463) đời Lê Thánh Tông, ông được thăng làm Hàn lâm thừa chỉ Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông được vua Lê Thánh Tông rất kính trọng, thơ văn do vua sáng tác phần nhiều đều đưa để Nguyễn Trực nhận xét, bình luận. Ông mất tại nhiệm sở hưởng thọ 57 tuổi. Vua thương tiếc vô hạn, truy tặng hàm Thái bảo và còn gửi tiền bạc đến viếng, lệnh cho các đại thần hộ tống linh cữu về Quốc Oai và dựng từ đường ông Trạng nguyên ở Khê Thượng, xã Nghĩa Hương. Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) vua Lê Thánh Tông ban sắc chỉ cho cải táng ông, đem về chôn tại chân núi Đại Lại, xã Bạch Thạch, phủ Quốc Oai. Ngày nay lăng mộ của ông vẫn ở chỗ cũ.

Từ đường làng qua một Nghi môn nhỏ vào sân nhà thờ. Nghi môn là một cổng cuốn vòm với các cột trụ và bức tường lửng hai bên đỡ trần. Bên trên là hai tầng mái giả xây chồng diêm 8 lá mái có đao cong, giả ngói ống. Nóc Nghi môn đắp 2 rồng lá ngậm bờ nóc chầu hổ phù đội mặt trời. Hai bên Nghi môn có hai bức tường lửng thấp nối cổng với hai cột trụ biểu. Cột trụ biểu có mặt cắt ngang thân hình vuông, đầu trên có ô đèn lồng, trang trí mặt sập và trên cùng là hoa văn tứ phượng chầu ép thân cách điệu thành bông hoa dành. Hai bên thân trụ là tường rào vây quanh khu di tích. Cổng Nghi môn có hai cánh cửa gỗ kiểu thượng song hạ bản, chạm tứ quý hoá long. Nhà thờ nằm trên một khoảnh đất cao hơn sân 30cm so với mặt bằng nền chữ “đinh”. Tiền tế là nếp nhà ngang 3 gian 2 dĩ nhỏ, tường hồi bít đốc tay ngai. Bộ vì làm theo kiểu thức “Kèo kẻ giá chiêng trên quá giang trốn cột gối tường”. Mái trước Tiền bái làm hai tầng mái. Phía trước nhà làm cửa bức bàn 3 gian. Bộ khung vì mái trên được đặt trên thanh quá giang gối lên tường tiền và hậu. Từ lưng chừng tường tiền có kẻ cổ ngỗng vươn ra hàng cột hiên đỡ các hoành mái hạ. Mặt ngoài phần cổ diêm giữa hai tầng mái đắp nổi bốn chữ “Nguyễn thị từ đường”. Nóc mái, hai đầu đều có rồng lá ngậm, giữa nóc có mặt trời lửa trên hổ phù. Hai tường hồi xây dốc thẳng ăn ra phía trước, nối liền với hai cột trụ tay ngại bề thế. Thân trụ tay ngai có nhấn các câu đối, trên cột trụ có bổ ô lồng đèn trang trí tứ linh, trên cùng là tứ phượng chầu cách điệu hoa dành. Hậu cung nhà thờ là một gian nhà dọc nối với gian giữa Tiền bái. Gian này được xây gạch theo lối cuốn vòm tổ tò vò, bên ngoài làm khung mái lợp ngói ri. Hiện trạng kiến trúc hiện nay là kết quả lần trùng tu thời Nguyễn với các đặc trưng bộ khung nhà được làm từ gỗ tứ thiết, xẻ vuông, bào soi gờ chỉ thanh thoát, chỉ có phần kẻ hiên, câu đầu là được chạm hoa lá cách điệu mềm mại giản dị.

Nhà thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực còn lưu giữ được một số di vật quý như: 3 bức hoành phi, 3 câu đối, 3 tấm bia: “Vĩnh xương khánh hậu”; “Hợp kính đồng tôn”; “Bối Khê Nguyễn tộc bi ký”./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)