Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà thờ Nguyễn Bá Lân (huyện Ba Vì)

Sơn Dương (t/h) 14:05 27/04/2023

Nhà thờ Nguyễn Bá Lân thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội hiện nay đang tồn tại một di tích cổ, thờ danh nhân Nguyễn Bá Lân (1700-1785), nhân dân thường gọi là nhà thờ Nguyễn Bá Lân. Ông làm quan đến chức Thượng Thư dưới thời Lê Trung Hưng.

Cổ Đô là một vùng đất cổ, nơi tụ cư của người Việt cổ từ rất sớm. Các hiện vật khảo cổ được phát hiện như bình, thạp, rìu đồng, gạch đất nung cho thấy người Việt cổ đã xuất hiện ở đây từ thế kỷ III trước công nguyên đến thế kỷ I sau công nguyên. Nơi đây, có địa thế hình Thanh long, lại nằm giữa hợp lưu của ba con sông lớn, nên Cổ Đô có thuận lợi Nhất cận thị, nhị cận giang. Bên cạnh đó, làng quê này còn là nơi sản sinh ra rất nhiều các bậc danh nho, nhân tài cho đất nước, để lại tiếng thơm muôn thủa cho làng xóm, quê hương.

Căn cứ vào các tài liệu chính sử và gia phả dòng họ Nguyễn Bá ở Cổ Đô thì danh nhân Nguyễn Bá Lân (1700-1785), xuất thân trong một gia đình Nho học truyền thống. Thân sinh ông là Nguyễn Công Hoàn nổi tiếng một thời về văn chương, được xếp thứ ba trong “Tứ hổ” ở kinh thành Thăng Long xưa (“nhất Quỳnh, nhị Nhan, tam Hoàn, tứ Tuấn”). Nguyễn Bá Lân là học trò của chính cha mình.

Được cha trực tiếp dạy dỗ, năm 18 tuổi, ông thi đỗ đầu kỳ thi Hương, hai năm sau đó lại đỗ kỳ thi Hội, rồi thi Đình, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh thứ ba (1731).

Ông đã đóng góp nhiều công lao, khi được triều đình cử đánh dẹp loạn ở các vùng Sơn Tây, Thái Nguyên, đồn Hoàng Cương. Sau đó, ông được phong chức Tả chấp pháp ở bộ Hình vào đầu triều Cảnh Hưng (1740-1786). Năm Bính Tuất (1756) Nguyễn Bá Lân được thăng chức Thiên đô ngự sử, vào phủ chúa giữ chức “Bồi tụng kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám rồi Ngự sử đài. Những năm sau đó, do học vấn uyên thâm và lại là người thanh liêm ngay thẳng, nên ông đã được triều đình giao giữ nhiều trọng trách trong triều đình như Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Hộ, được liệt vào bậc Ngũ lão hầu. Khi mất, ông được tặng chức Thái tể, tước Quận công.

Trong sự nghiệp thơ văn, ông là người học rộng tài cao, thơ văn uyên bác, nổi danh một thời. Cùng với Ngô Thì Sĩ, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bá Lân - là một trong những cây bút lớn trong làng thơ văn lúc bấy giờ. Ông đã để lại cho đời nhiều bài phú nổi tiếng: Trương hàm tư quân lộ, Cung nhân cúc diệp, Giai cảnh hứng tình. Riêng bài phú Ngã Ba Hạc, đã góp phần mở đường cho khuynh hướng độc đáo của văn học Việt Nam. Sau này được bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương kế thừa và phát triển, trở thành một trào lưu văn học.

Nhà thờ Nguyễn Bá Lân toạ lạc ở cuối thôn Cổ Đô, nhìn theo hướng đông nam. Bố cục kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm các hạng mục: cổng Nghi môn, sân, Đại bái và Hậu cung. Nhìn chung, kiến trúc của di tích được làm đơn giản, chủ yếu đóng bén, bào trơn, tường hồi bít đốc, hai mái chảy, lợp ngói ri. Phía trên nóc mái đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, rồng lá. Ở cổng Nghi môn trang trí đôi nghê chầu, tứ phượng chầu cách điệu hoa dành dành, tứ linh và đôi câu đối ca ngợi công đức của danh nhân Nguyễn Bá Lân:

Nhân đức từ gia phong

Công danh tòng tổ tử.

Nhà thờ hiện còn bảo lưu nhiều di vật quý như: long ngai bài vị, bia đá, bức trướng văn, câu đối, hoành phi. Đặc biệt là cuốn gia phả dòng họ Nguyễn Bá do chính cụ Nguyễn Bá Lân biên soạn cùng một số bài văn, thơ phú của cụ, qua đó giúp hậu thế hiểu biết hơn về tình hình xã hội Đàng Ngoài dưới thời vua Lê chúa Trịnh.

Lễ hội tại nhà thờ danh nhân Nguyễn Bá Lân thường xuyên được tổ chức một năm hai lần vào ngày các 26, 27 tháng giêng âm lịch (ngày tế Thành hoàng Ngũ Xã) và ngày 6 tháng tư âm lịch (ngày mất danh nhân Nguyễn Bá Lân). Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian như: đấu vật, hát bội, đánh cờ, xúc sắc rất tưng bừng, náo nhiệt.

Nhà thờ Nguyễn Bá Lân đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử lưu niệm danh nhân năm 2004./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)