Chuyển động Hà Nội

Hà Nội nghiên cứu xây thêm một sân bay quốc tế ở phía Nam

Kim Thoa 10:17 28/04/2023

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sân bay thứ hai vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu ở khu vực phía Nam thành phố. Theo ông Tuấn, vị trí này thuận lợi để kết nối với các tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng và quốc gia khác.

7c14a5c42ea3137603b2ffd6b1f62cae.jpg
Hà Nội nghiên cứu xây thêm một sân bay quốc tế ở phía Nam

Tại hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII sáng 27-4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã giải trình các vấn đề liên quan đến đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong phần giải trình, ông Tuấn dành thời gian giải thích lý do trong quy hoạch có nội dung nghiên cứu, đề xuất xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.

Theo ông Tuấn, trong quy hoạch cảng hàng không toàn quốc đã xác định Thủ đô lớn như Hà Nội cần có sân bay thứ 2 và được bố trí theo trục Bắc Nam. Do vậy, thành phố đang nghiên cứu, đề xuất sân bay thứ 2 của Hà Nội ở khu vực phía Nam.

“Đây là vị trí thuận lợi để kết nối với các tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng và quốc gia khác” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu, về Định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), cần lưu ý 4 nhóm nội dung quan trọng, gồm: thống nhất thời hạn của Đồ án; yêu cầu bám sát các nghị quyết, kết luận của T.Ư; bảo đảm định hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô và 5 trục phát triển.

Đối với Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Dũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu lập Quy hoạch, Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học dưới các hình thức, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành T.Ư và các địa phương theo quy định, đặc biệt là công bố công khai để lấy ý kiến của nhân dân Thủ đô để vừa tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, vừa tạo sự thống nhất, đồng thuận chung trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch...

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Luật Thủ đô (sửa đổi) là các nội dung rất quan trọng đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của Thủ đô.

Bí thư Hà Nội đề nghị các cơ quan của thành phố kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và 5 trục phát triển.

Thứ nhất: Trục không gian sông Hồng, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay.

Thứ hai: Trục không gian Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh.

Thứ ba: Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng.

Thứ tư: Trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh.

Thứ năm: Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, đến nay, các cơ quan chuyên môn chưa xác định vị trí đề xuất xây dựng sân bay quốc tế thứ hai. Bởi sân bay này có dù xây dựng trên địa bàn Hà Nội hay tỉnh thành khác cũng đều đáp ứng yêu cầu phát triển cả vùng.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đề xuất một số sân bay quân sự trên địa bàn chuyển thành lưỡng dụng để phục vụ nhu cầu trước mắt và lâu dài cho Thủ đô.

“Đây sẽ là tiền đề tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực của thành phố”, ông Đinh Tiến Dũng nói và cho rằng, thông qua việc nghiên cứu đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến giao thông kết nối liên vùng (Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc…) sẽ định hướng phát triển Hà Nội với vai trò dẫn dắt, tạo sức lan tỏa trong vùng.

Kim Thoa