Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Ngô Sài (huyện Quốc Oai)

Sơn Dương (t/h) 10:09 27/04/2023

Đình Ngô Sài thuộc Thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Đình mang tên địa danh của làng Ngô Sài, nay thuộc thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ngô Sài có tên là Sài Trang, đến thời Lê đổi ra Ngô Sài, thuộc tổng Hoàng Xá, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đến thời Nguyễn thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

Đình nằm trên khuôn viên khá rộng. Ngoài cùng là cổng vào, có hai cây gạo lớn và hai cột trụ được xây dựng bằng gạch, tiếp nữa là giếng đình, sân đình, rồi nhà Đại bái, Hậu cung - xung quanh có tường xây bao bọc.
Hai cột trụ cao chừng 11m. Phía bên hai đầu trụ là hai chim phượng ở tư thế sà xuống đất, đầu chúc xuống, đuôi cong lên, hai cánh giang rộng như cánh đại bàng. Ở các khung xung quanh là các đề tài long cuốn thuỷ, long mã, phượng tung cánh... Các đồ án này đều đắp nổi, khá sống động. Hai cột trụ được làm từ thời Nguyễn, khá tinh xảo như một tác phẩm nghệ thuật.

Chính giữa là nhà Đại bái được xây dựng từ thời Lê (1766), nhưng đã bị phá dỡ. Năm 2006, nhà Đại bái được phục dựng lại bằng bê tông. Hiện còn lưu giữ tấm bia dựng đình ghi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 (1766).

Qua Đại bái, đến toà Trung đình, còn khá nguyên vẹn, gồm 3 gian, 2 dĩ. Trên các bức cốn, chạm các đề tài tứ linh: long, ly, quy, phượng và hoa lá cách điệu. Nổi bật nhất trong nghệ thuật chạm ở những bức cốn này là yếu tố dân dã: Những con bạch mã tung vó phi nước đại lúc chiều tà; những chú voi đủng đỉnh, những con chim công nhún nhảy như múa, như bay; một con lợn vểnh tai ngơ ngác như lạc vào thế giới thần tiên, mai cúc, trúc, tùng.

Tiếp theo toà Trung đình là Hậu cung, một toà kiến trúc khá độc đáo; dạng chồng diêm với 2 tầng, 8 mái. Các đầu đao cong vút lượn thành hình rồng. Mặt trước Hậu cung có ba lớp cửa. Bên trong có bốn cột cái, liên kết với nhau bằng các xà ngang, xà dọc được bào trơn đóng bén. Trong cùng là cửa võng, được trang trí các đề tài rồng, phượng, mai, điểu, tùng lộc. Hai bên có mãnh hổ.

Toà Trung đình và Hậu cung được làm lại vào thời Nguyễn. Lối kiến trúc này ít thấy ở các ngôi đình khác.

Đình thờ hai vị thần là Ả Lã Nương Đê và Đỗ Cảnh Thạc. Theo tích ở làng này, Ả Lã Nương Đề là công chúa Hùng Vương. Công chúa được vua cha yêu quý, cho đi du ngoại khắp nơi. Đến đất Sài Trang, mến cảnh đẹp, công chúa đã xin vua cha cho ở lại đây sinh sống. Công chúa đã giúp dân khai khẩn, trồng lúa, dệt vải. Sau khi hoá, nhân dân địa phương dựng miếu phụng thờ bà.

Vị thần thứ hai là Đỗ Cảnh Thạc, một danh tướng giúp Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán. Sau đó trấn trị một vùng trong số mười hai sứ quân. Ông cai quản vùng đất ven sông Tích trong đó có Sài Trang. Dân làng Sài Trang tôn ông là Thành hoàng làng với tên thân kính là Đức Vua Ông.

Sở dĩ dân Sài Trang trước đây và Ngô Sài sau này thờ hai vị Thành hoàng ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau, là vì cả hai vị đều gắn bó với mảnh đất này, sâu nặng ân tình, luôn bảo hộ cho làng yên ấm. Việc thờ hai vị thần này, chứng tỏ đất Sài Trang đã định hình từ buổi đầu mở nước và giữ nước của cha ông ta.

Đình Ngô Sài tuy bị huỷ hoại nhiều, song còn giữ lại nhiều dấu ấn lịch sử và văn hoá truyền thống của một làng quê văn vật, liền kề với các cụm danh thắng khác là chùa Tây Phương và chùa Thầy.

Đình Ngô Sài đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)