Danh thắng & Di tích Hà Nội

Quán Ngự (huyện Phúc Thọ)

Sơn Dương (t/h) 11:29 26/04/2023

Quán Ngự thuộc xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Quán Ngự, còn gọi là quán Nghè, là tài sản văn hóa chung của 3 thôn Hiệp Cát, Đại Điền và Hòa Thôn, thuộc xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về phía tây.

Theo thần phả và truyền thuyết dân gian, quán Ngự thờ Bạch Hạc Tam Giang. Sau khi giúp Hùng Duệ Vương dẹp giặc, ông đi thăm thắng cảnh non sông, đất nước, tới vùng đất Hiệp, thấy cảnh khang vật thịnh, đã cho xây hành cung thứ ba tại đây. Sau khi hóa, ông được phong làm Tam Giang Bạch Hạc Thượng đẳng phúc thần.

Dựa vào thời gian ra đời của cuốn thần tích do quan Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) thì quán Ngự có thể đã tồn tại vào thế kỷ XV. Các dấu ấn nghệ thuật kiến trúc cho ta thấy di tích đã được sửa chữa nhiều lần vào các thời kỳ nhà Lê, Nguyễn.

Quán Ngự được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng trong khu vực cư trú của làng. Quán có quy mô kiến trúc nhỏ, hình chữ “đinh” gồm: Tiền tế và Hậu cung.

Tiền tế được xây theo hướng tây, 1 gian 2 chái, kết cấu 4 hàng chân. Mái phân thượng tứ hạ ngũ, lợp ngói ta, với các góc đao uốn cong. Đầu đạo đắp nổi hình đầu rồng, bộ nóc bờ dải có dạng chữ “đinh”.

Hậu cung là một nếp nhà dọc ba gian nối với hai gian giữa của Tiền tế. Nhà gồm 2 mái dọc và 2 tầng mái hồi. Các bộ vì đỡ mái được làm theo ba dạng khác nhau. Vì ngoài cùng chồng rường khít lên nhau tạo thành những bức cốn; vì giữa có kết cấu thượng giá chiêng trụ trốn, hạ kẻ; bộ vì trong cùng làm theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ. Mỗi vì gồm 4 hàng chân, mái phân thượng tam hạ tứ. Trong Hậu cung, hai gian ngoài bày đồ thờ tự, gian trong có hệ thống sàn gỗ làm cung cấm. Cung thờ được bịt kín 3 mặt bằng những ván gỗ mỏng, phía trước làm cửa bức bàn, trong cùng có long ngai, bài vị thờ thần Bạch Hạc Tam Giang.

Trang trí trên kiến trúc gỗ của quán Ngự khá phong phú, sinh động. Ngoài nhà Tiền tế, các đầu xà, kẻ chạm nổi hình lá, vân mây; kẻ góc trang trí đầu rồng; bẩy phủ kín bề mặt các hoa văn truyền thống như: rồng, mây, lá... Những mảng chạm khắc này có niên đại tạo tác dưới thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Quán Ngự hiện còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật cao, có niên đại thời Lê và Nguyễn như: cửa vòm chạm thủng tứ linh, hương án, cuốn thư, long ngai, trang trí các đề tài cổ.

Quán đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)