Ngôi chùa truyền cảm hứng sống 'xanh'
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 13:11, 05/02/2021
Những bài học giản dị
Khuôn viên chùa Phúc Sơn những ngày tháng Chạp được bao phủ một màu xanh mướt. Phật tử ai nấy đều vui vẻ, tự giác phân loại những vật phẩm không cần thiết vào hai thùng rác được tái chế từ thùng sơn cũ có ghi rõ vị trí đựng rác hữu cơ và vô cơ.
Theo lý giải của nhà sư Thích Tịnh Giác, nếu đốt vàng mã mà không hiểu thì vô tình mắc phải 6 tội lỗi, trong đó, lớn nhất là tội lừa gạt chính mình và làm tổn thương lòng từ bi. “Đốt vàng mã không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, hơn nữa, lại gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, thậm chí còn có nguy cơ gây cháy nổ. Có nhiều hình thức báo hiếu, tri ân tổ tiên, đấng sinh thành mà không cần đốt vàng mã, như mua đồ phóng sinh, mua đồ có thể sử dụng được hoặc chia sẻ cho người thiếu thốn, khó khăn”, sư thầy Thích Tịnh Giác nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, hình ảnh sư thầy Thích Tịnh Giác với tấm biển lớn trên tay: “Thả cá, xin đừng thả túi nilon” đứng ở khu vực chân cầu Chương Dương và ven hồ Tây (phía gần đường Thanh Niên) vào mỗi dịp Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) để nhắc nhở người dân không vứt túi nilon cũng như chân hương, tro, tiền giấy xuống hồ đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Sư thầy sẵn sàng lội xuống nước để vớt túi nilon mang về chùa cho các phật tử giặt sạch, phơi khô để tái sử dụng. Theo sư thầy, nếu chúng ta thả cá mà vứt cả túi nilon xuống hồ thì sẽ khiến nguồn nước bị ô nhiễm, cá sẽ không sống được, như vậy là vô tình tạo thêm nghiệp chướng.
Nhận thức đúng sẽ hành động đúng
Rất nhiều phật tử đã tới nghe các bài giảng của sư thầy Thích Tịnh Giác. Bà Nguyễn Thị Minh (72 tuổi, phường Thổ Quan, quận Đống Đa) chia sẻ: “Tôi thấy thanh thản mỗi khi đến đây, đặc biệt là khi được nghe thầy giảng giải về trách nhiệm của con người với môi trường”. Là người dân sống hơn 70 năm tại thôn Kim Sơn, bà Lê Thị Thiêm cho biết, khi được thầy giảng giải về việc đốt vàng mã, bà đã tuyên truyền để họ hàng, hàng xóm biết và làm theo. Cũng theo bà Lê Thị Thiêm, việc không đốt vàng mã cũng không ảnh hưởng gì đến mồ mả tổ tiên hay đến công việc làm ăn của con cháu. “Gia đình tôi và các gia đình trong thôn vẫn làm ăn phát đạt, bà con hàng xóm đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau”, bà Lê Thị Thiêm khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, người từng nhiều năm công tác ở Hội Phụ nữ xã cho biết: Trên địa bàn xã còn có phong trào “Đoạn đường phụ nữ tự quản nở hoa” và sư thầy Thích Tịnh Giác cũng tham gia tuyên truyền, giảng giải về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Nhờ sư thầy Thích Tịnh Giác mà nhiều hoạt động bảo vệ môi trường của hội trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là việc “nói không” với đốt vàng mã.
Sư thầy Thích Tịnh Giác chia sẻ: “Phép vua thua lệ làng", nhất là với những “lệ làng" đã trở thành thói quen, rất khó thay đổi. Tuy nhiên, với lòng từ bi, nhẫn nại của nhà Phật, tôi tin “mưa dầm thấm lâu". Hơn 10 năm qua, các phật tử đã thực sự có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, họ đã biết bảo vệ cho chùa khang trang, nhà sạch sẽ, xây dựng một cộng đồng xanh - sạch - đẹp hơn. “Phật giáo có một vai trò rất lớn trong đời sống xã hội. Chính vì thế, tôi muốn nương nhờ giáo lý nhà Phật để hướng người dân xây dựng nếp sống văn minh. Không chỉ trong phạm vi một xã, một huyện, tôi mong các phật tử đến chùa khi đã nhận thức đúng sẽ hành động đúng, và mang hiểu biết về nếp sống văn minh ấy áp dụng trong mỗi gia đình để các thành viên trong gia đình cùng tham gia, nhằm xây dựng một xã hội văn minh”, sư thầy Thích Tịnh Giác nhấn mạnh.