Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Ngự Câu (huyện Hoài Đức)

Sơn Dương (t/h) 09:47 26/04/2023

Đình Ngự Câu thuộc xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Đình Ngự Câu còn có tên nôm là đình Cầu. Nghi môn có kết cấu theo kiểu trụ biểu lắp cánh cửa, hai bên có tả, hữu mạc và trung tâm của di tích là toà Đại bái 3 gian 2 chái, 4 hàng chân cột còn đầy đủ sàn gỗ. Đáng quan tâm hơn cả ở đây là nghệ thuật trang trí có niên đại nửa cuối thế kỷ XIX. Đầu tiên là bộ cánh cửa gian giữa với nửa trên đục chạm vân xoắn trổ thủng trong sự đăng đối, phần dưới chạm nổi cây thiêng, cây thế. Bốn bộ vì nóc đều tạo tác theo kiểu thức “vì ván mê” trổ thủng một khung chữ nhật ở chính tâm dưới, mặt vì là hổ phù ở đỉnh và hình tượng rồng lân ở 3 góc dưới. Quá giang cũng được chạm nhiều, đây là hiện tượng hiếm thấy ở các di tích khác, với hình tượng hổ phù, vân xoắn, hoa lá cách điệu. Tại phần nối giữa cột cái với cột quân trang trí cốn mê với ván dày để đặc tả long cuốn thuỷ, phượng, lân, rùa ở cả hai mặt. Trên toàn bộ tiết diện của cốn, nhiều khi được chạm tam quy thất phượng, cửu ly và những cảnh gắn với tích truyện lịch sử. Ở các mảng chạm khắc này, người ta khó có thể thấy hình tượng bị lặp lại khiến người xem như bị trôi theo dòng suy tưởng và sự tác động khác nhau của các linh vật. Nhìn chung, các đề tài ít thể hiện hoạt cảnh mà thường chú ý nhiều đến chi tiết chạm khắc các linh vật.

Đình Ngự Câu thờ 5 vị Thành hoàng, có công giúp An Dương Vương đánh giặc. Sự tích kể rằng, 5 vị đều là con của ngài Đô Thiện và hai bà vợ họ Kim và họ Chu. Khi nước có giặc, vua Thục mộ binh cứu nước. Lúc ấy các con ông bà đã lớn và có tài đều ứng thế đem quân đánh thắng giặc, được vua phong tước và ban thưởng. Sau khi các ngài hoá, dân làng lập đền thờ và truyền đời cúng tế. Ngày sinh và ngày hoá của thần cũng là ngày dân làng mở hội. Hiện trong đình còn giữ được nhiều di vật quý như long ngai, bài vị cùng 14 đạo sắc phong, đạo sớm nhất vào thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767) và một cuốn thần phả sao lại năm 1919.

Đình Ngự Câu đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)