Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Ngũ Giáp (huyện Đan Phượng)

Sơn Dương (t/h) 09:39 26/04/2023

Đình Ngũ Giáp thuộc xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Đình Ngũ Giáp vốn do 5 giáp của thôn Thượng, xã Hạ Trì, tổng Hạ Trì hưng công xây dựng, nên ngôi đình này còn có tên gọi là đình Dày, đình Hạ Trì hay đình Liên Hà. Hiện nay, đình toạ lạc tại thôn Ngũ Giáp.

Đình Ngũ Giáp có lối kiến trúc chữ “đinh” gồm Đại bái và Hậu cung. Toà Đại bái là một công trình đồ sộ nhất trong các hạng mục, 6 bộ vì được làm thống nhất theo một kiểu thức “chồng rường giá chiêng” trên 6 hàng chân cột lớn. Nghệ thuật trang trí được thể hiện dầy đặc trên các đấu kê, rường, kẻ với các hình vờn mây, hoa lá cách điệu mà khoáng đạt. Gian giữa Đại bái nối với Hậu cung. Đây là một công trình 3 gian nhà xây dọc, là nơi đặt khám thờ và long ngai, bài vị đức thánh. Khám thờ chạm rồng, hoa dây lá lật mang phong cách thời Nguyễn.

Đình Ngũ Giáp còn bảo lưu khá nhiều di vật quý, gồm có 3 bộ kiệu lớn, phía trước chạm khắc đầu rồng, phía sau là đuôi rồng, tay đòn chạm mặt hổ phù cực kỳ tinh xảo và sinh động. Ngoài ra còn bộ bát bửu, hoành phi, câu đối và 34 đạo sắc phong, trong đó có 20 đạo thời Lê, 2 đạo thời Tây Sơn, 12 đạo thời Nguyễn và 1 cuốn thần phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào thời Lê, niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1572). Như vậy, căn cứ vào thần phả và nội dung các tư liệu Hán văn, Thành hoàng làng Ngũ Giáp là Lữ Gia, một vị tướng tài có công lớn phò giúp nhà Triệu chống lại các quan nhà Hán, khiến cho vua Hán nổi giận, kéo quân sang xâm lược nước ta. Lữ Gia cùng binh sĩ tổ chức lập đồn doanh để phòng thủ và chống giặc. Song, thế giặc mạnh, Lữ Gia và quân sĩ đã dốc lòng đánh nhưng không nổi nên đã hy sinh. Dân trang Hạ Trì cảm nhớ đến công ơn của ngài đã lập đền thờ phụng. Một vị Thành hoàng là Sa Lãng, một danh tướng thời Hai Bà Trưng. Tướng quân Sa Lãng vốn là một người con gái thuộc dòng dõi Hùng Vương, con gái một vị Hùng trưởng ở bộ Nam Hải. Bấy giờ, thái thú Tô Định tham tàn bạo ngược, vơ vét của cải, tô thuế nặng nề khiến cho nhân dân vô cùng khốn khổ. Bà Sa Lãng đã đứng lên chiêu mộ nghĩa binh, ngày đêm luyện tập tại trang Hạ Trì và các vùng lân cận. Nghe tin Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa chống giặc Tố Định tại Hát Môn (huyện Phúc Thọ ngày nay), bà liền đưa nghĩa binh hội dưới cờ Hai Bà Trưng tại cửa sông Hát, góp phần đánh tan quân Tô Định, giành lại 65 thành trì. Đất nước thống nhất, Trưng Vương khao thưởng tướng sĩ, nhân dịp này, bà xin Trưng Vương cho về trang Hạ Trì giúp dân việc tang nông. Bà hoá tại đây vào ngày 8 tháng ba âm lịch. Để ghi nhớ công lao của bà, nhân dân thôn Ngũ Giáp hàng năm tổ chức lễ hội vào ngày mùng 7 và 8 tháng ba âm lịch.

Đình Ngũ Giáp đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)