Đình Ngọc Than (huyện Quốc Oai)
Đình mang tên địa danh của làng Ngọc Than, nay thuộc xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Thời Lê thôn Ngọc Than thuộc xã Ngọc Than, tổng Thạch Thán, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Trong kháng chiến chống Pháp, xã Ngọc Than hợp nhất với xã Thạch Thán, Phú Mỹ thành xã Bình Than. Thời kỳ cải cách ruộng đất, Thạch Thán được tách thành xã riêng, còn lại Ngọc Than và Phú Mỹ hợp thành xã Ngọc Mỹ.
Làng Ngọc Than nằm ngay sát thị trấn Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội chừng 20km về phía tây. Từ Hà Nội đi theo đường cao tốc Láng - Hoà Lạc đến thị trấn Quốc Oai, rẽ tay trái chừng 1km là tới di tích.
Đình nằm trên trục đường chính của làng, nhìn về hướng tây bắc, xung quanh có tường xây đá ong vây quanh. Đình hiện tại có cấu trúc hình chữ “nhị”, gồm nhà Tiền tế (Đại bái) và toà Đại đình song song nhau. Phía trước có giếng, sân đình, hai bên có bia đá và cây cổ thụ.
Khi mới xây dựng đình chỉ có một toà Đại đình, không rõ được xây dựng từ khi nào, song trên câu đầu có dòng lạc khoản “Vĩnh Thịnh thập nhị niên” (1716). Đây là niên đại của toà Đại đình này. Tuy nhiên, một số văn bia hiện còn cho biết năm Dương Hoà thứ 3 (1637) đã có người trong làng được bầu làm hậu thần, được thờ ở đình; năm Dương Hoà thứ 4 (1638) đã có định lệ hát cửa đình ở đây. Vì vậy, ngôi đình này ít nhất đã có trước năm 1637. Toà Đại đình tuy có dấu vết tu sửa nhiều lần sau đó, song về cơ bản vẫn giữ nguyên diện mạo lần xây dựng năm 1716. Đình gồm 5 gian, 2 dĩ, dài 23m, rộng 8m. Bốn bề là hiện và ván bưng. Các bức cốn, đầu dư đều chạm đầu rồng với những cặp râu rồng hình lưỡi mác mang phong cách cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Đình không có Hậu cung, xây thụt về sau như thường gặp ở các ngôi đình thời Nguyễn khác. Hậu cung được bưng ván ở gian giữa để thờ. Trước Hậu cung có hai cửa võng, lớp cửa võng phía trong được làm cùng thời điểm dựng đình (thời Lê), lớp cửa võng bên ngoài được làm thêm vào thời Nguyễn.
Nhà Tiền tế được dựng vào năm Ất Tỵ niên hiệu Thành Thái thứ 17 (1905), dài 22,3m, rộng 8m, hai đầu đốc xây gạch kín, hai mặt trước và sau bỏ trống. Toà này được xây dựng thêm để thích ứng nhu cầu tế lễ và lễ hội hàng năm.
Đình Ngọc Than thờ Lý Bí và Phạm Tu mà sự tích của các vị này được ghi rõ trong thần tích hiện còn ở đình.
Lý Bí là vị anh hùng dân tộc, đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của nhà Lương thắng lợi. Lý Bí lên ngôi vua (544), lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân.
Phạm Tu là một danh tướng của Lý Bí, từng chiêu tập dân trang Ngọ Than chiến đấu, có nhiều công lao được phong tới chức Thái sư. Trong lễ hội truyền thống hàng năm (từ mồng 6 đến 8 tháng hai), dân làng diễn lại sự tích thần trong việc mộ quân, chuẩn bị lương thực, khao quân, chiến đấu và lễ báo công khải hoàn. Trong hội, còn tổ chức nhiều trò chơi như đánh vật, kéo co, hát chèo, hát nhà tơ...
Thời kháng chiến chống Pháp, đình từng là nơi gặp gỡ và trao đổi bí mật của cán bộ cấp cao của cách mạng, nơi phát động đánh chiếm huyện lỵ Quốc Oai.
Đây là một di tích khá quy mô, còn giữ được nhiều dấu tích lịch sử nghệ thuật và truyền thống văn hoá làng.
Đình Ngọc Than đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1982./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01