Đình Ngọc Khánh (quận Ba Đình)
Đình Ngọc Khánh ở bên hồ Ngọc Khánh, thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
Làng Ngọc Khánh vốn là một xóm của làng Giảng Võ thuộc Tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ, tới cuối thế kỷ XIX tách thành một xã riêng vẫn thuộc Tổng Nội. Theo các tư liệu lịch sử cho biết vùng đất Ngọc Khánh có nhiều kho tàng cất giấu vũ khí do bà Lý Châu Nương cai quản như các kho: Bãi đạn, đạn đá, gò voi, cổ ngựa. Năm 1983-1984, kết quả khai quật khảo cổ học đã thu thập được bộ sưu tập vũ khí quý báu như: Câu liêm, đinh ba, các loại kiếm, lao, giáo, mác, móc câu chùm...
Đình Ngọc Khánh thờ Tam vị Thượng đẳng thần, được xây dựng khoảng thế kỷ XVIII, toạ lạc trên khu đất cạnh đường thiên lý Thăng Long đi xứ Đoài - Sơn Tây. Trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo (do đổ nát, lấn chiếm đất...), kiến trúc của ngôi đình hiện nay tuy khiêm nhường nhưng trang nghiêm, thoáng đãng thu hút nhiều khách đến tham quan, lễ bái.
Hiện nay, tại đình còn lưu giữ một số tư liệu Hán Nôm, cho biết đình Ngọc Khánh thờ Tam vị Thượng đẳng thần, đó là:
- Hà Hải thái giám Hoàng Phúc Trung.
- Bản cảnh Thành hoàng Linh Lang đại vương long bài.
- Thành hoàng Uy linh.
Thần hoàng của đình Ngọc Khánh là các nhân vật quan trọng trong hệ thống Thành hoàng “Mười ba làng trại”. Đây là các vị thần đã có công lớn trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc như Linh Lang đại vương, hay cuộc đấu tranh, lao động bền bỉ với thiên nhiên của Hoàng Phúc Trung cùng với dân nghèo Lệ Mật mở mang, khai phá miền Tây kinh thành còn hoang dại, lập nên mười ba làng trại, dạy dân nghèo trồng trọt, làm ăn sinh sống.
Trên các di vật của đình như: Kiệu, long ngai, cửa võng, cuốn thư, hạc, rùa... đề tài trang trí chủ đạo là tứ linh, những con vật mang biểu tượng của sự bền vững thanh cao, cũng giống như đất trời chuyển vận quanh năm theo chu kỳ (xuân, hạ, thu, đông) “Xuân sinh - Hạ trưởng - Thu thu - Đông tàn” không lúc nào ngừng, không có bắt đầu và cũng không bao giờ kết thúc, tiêu biểu cho sự vĩnh hằng. Đỉnh đồng, lư hương, chuông, khánh đồng hầu hết là những hiện vật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, XX.
Đặc biệt, đình Ngọc Khánh hiện còn bảo lưu được 4 đạo sắc phong, đạo sắc sớm nhất có niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 2 (1821). Trong đình còn nhiều di vật có giá trị như: chuông, khánh đồng, đỉnh đồng, lư hương, hoành phi, câu đối, bát bửu... đó là những cổ vật quý trong kho tàng di sản văn hoá nước nhà.
Đình Ngọc Khánh đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01