Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Nội (huyện Thanh Trì)

Sơn Dương (t/h) 17:26 25/04/2023

Đình Nội thờ Chu Văn An thuộc phố Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Chu Văn An tên thật là Chu An, được nhà Trần ban tên thụy là Văn Trinh nên quen gọi là Chu Văn An. Ông được suy tôn là người thầy của muôn đời, được thờ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám cùng 72 người hiền. Ngoài ra, ông còn được lập đền thờ ở quê hương, thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông được phong Thành hoàng làng ở quê hương và nơi ông cáo quan về ở ẩn là núi Phượng Sơn, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, Hải Dương.

Chu Văn An sinh ngày 25 tháng tám năm Nhâm Thìn (1292), mất năm Canh Tuất (1370), thọ 78 tuổi.

Sau khi thi đỗ thái học sinh, ông không ra làm quan, trở về quê mở trường dạy học. Trong số học trò, có nhiều người thành đạt, làm quan to trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát v.v...

Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) đã mời ông làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám để dạy thái tử. Đến đời Trần Dụ Tông, việc triều chính bị bỏ bễ, vua quan ăn chơi xa xỉ, nhiều lần can ngăn không được, ông đã dâng “Thất trảm sớ” đòi chém 7 tên nịnh thần. Trần Dụ Tông không nghe, ông bèn “treo mũ ở cửa Huyền Vữ”, ông cáo quan về ở núi Phượng Sơn, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, Hải Dương, lấy hiệu là Tiều Ẩn và mất ở đó. Được tin ông mất, vua Trần Nghệ Tông đã sai quan đến viếng, ban tặng tên thụy là Khang Tiết, tức Văn Trinh và dành một vinh dự lớn cho người thầy dạy là được thờ ở Văn Miếu. Ông được coi là ông tổ của các nhà nho Việt Nam, một người thầy tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho nền giáo dục của nước nhà.

Sau khi Chu Văn An mất, học trò cũ đã lập đền thờ ông trên địa điểm trường học cũ ở Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp. Năm Giáp Ngọ (1774), đền được trùng tu lần thứ hai, làm thêm Bái đường rộng 5 gian.

Đền thờ Chu Văn An ở Huỳnh Cung, ngoài bài vị thờ ông, triều Lê còn đặt bài vị thờ 61 văn thân của huyện Thanh Trì, trong đó có nhiều người nổi tiếng như Nguyễn Như Đổ, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Công Thể... Năm 1850, ông được vua Tự Đức phong Thượng đẳng phúc thần, hàng năm, xuân thu nhị kỳ, văn thân trong huyện về tế lễ. Trong kháng chiến chống Pháp, đền bị phá huỷ. Hoà bình lập lại, nhân dân Huỳnh Cung đã dựng lại ngôi đền thờ danh nhân văn hoá Chu Văn An, người con của quê hương Thanh Liệt.

Tại quê hương Chu Văn An có đình thờ ông gọi là đình Nội. Ban đầu, đình vốn là ngôi đền cổ, đến thời Lê Trung Hưng trở thành văn chỉ làng Thanh Liệt, thờ các vị khoa bảng của làng. Theo bia “Tiên hiền bi ký” dựng năm Ất Dậu (1765) thì đình Nội ban đầu thờ Chu Văn An và tằng tôn của ông là tiến sĩ Chu Đình Bảo.

Đình Nội được dựng ngay sau khi ông mất vào thời Trần. Do đình nằm sâu trong khu đất chật hẹp nên vị tú tài người làng là Vũ Huy Diệu đã cùng dân làng Thanh Liệt chọn nơi thoáng rộng (địa điểm hiện nay) để xây lại vào năm Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức. Đình lúc ấy gồm một toà nhà ở chính giữa, ba gian, lợp ngói, tả hữu hai dãy dải vũ. Hai bên phối thờ hai vị tiến sĩ là Chu Đình Bảo và Lý Trần Thân. Năm 1892, đình được sửa chữa lại. Năm 2009 - 2010 được trùng tu tôn tạo lại khang trang, bề thế.

Đình Nội thờ Chu Văn An được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)