Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Nga My Thượng (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 18:33 25/04/2023

Đình Nga My Thượng thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Từ cổng chính vào là bức bình phong làm theo kiểu cuốn thư, hai bên là hai cột đồng trụ, thân trụ đắp câu đối. Bức bình phong, diềm trên đắp lưỡng long chầu nguyệt, mặt ngoài đắp long cuốn thuỷ, cá chép, mặt trong đắp hổ. Tiếp theo là một khoảng sân lát gạch bước lên bậc nhị cấp là tới Tiền tế làm theo kiểu 5 gian. Tiếp giáp với Tiền tế là năm gian Đại bái, về mặt kết cấu kiến trúc được làm tương tự như Tiền tế, gian giữa Đại bái được đặt một nhang án, một bộ bát bửu và một số đồ thờ tự khác.

Nối từ hai gian hồi từ Đại bái vào Hậu cung là hai dãy Tả - Hữu mạc, mỗi dãy ba gian nhỏ, phần trước để thông thoáng, phần sau xây bịt kín, kiến trúc của bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “Thượng chồng rường hạ bẩy trên quá giang trốn cột”, tạo một không gian thoáng, rộng làm nơi soát lễ trước khi vào lễ thánh. Nối từ giữa và Hậu cung là nhà Ống muống, công trình này mới được xây dựng nên kiến trúc khá đơn giản, chủ yếu mang công năng thuận tiện cho việc hành lễ. Tiếp theo là Hậu cung, công trình này được làm ba gian nhà ngang, nhìn bên ngoài Hậu cung được làm hai tầng mái, bờ chảy, bờ nóc đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp hai đấu đinh, cuối bờ chảy xây giật cấp, xuống dưới được xây bức tường lửng nối ra cột đồng trụ, trên đỉnh cột đắp đôi nghê chầu, tiếp đến là ô lồng đèn, thân trụ đắp nổi các đôi câu đối bằng chữ Hán. Vào bên trong, Hậu cung được chia làm hai phần có cấu trúc “nội tự ngoại khách”.

Đình thờ hai vị nhân thần thời Bắc thuộc làm Thành hoàng làng. Các ông văn võ toàn tài và là con ông họ Đặng công và bà họ Tạ. Khi ấy, Thái thú Giao Châu là Chu Chương, biết ông được dân chúng cảm phục vì tài năng và đức độ liền dâng sớ tiến cử, vua Hán phong cho ông vào hàng quan lớn, tước Hầu. Bấy giờ, quận trưởng bảy quận nổi loạn khiến cho đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn. Thái thú bản châu là Sâm Bành biết ông là người đức độ, tài năng hơn người, có thể dẹp loạn được liền tiến cử lên vua. Nhà vua ưng thuận, phong cho ông giữ chức Châu thú đem quân đi dẹp giặc. Trước khi đi, ông giao công việc cho người em của mình ở lại Nga My. Khi tới quận Cửu Chân, ông lệnh cho quân sĩ đóng đồn không được ra khiêu chiến và sai quan văn viết hịch, lấy điều nhân nghĩa để hiểu dụ, lấy hoạ phúc mà răn đe. Nghe những lời xác đáng, quân phiến loạn tỉnh ngộ bó giáo quy hàng, bảy quận trở lại thanh bình.

Khi 70 tuổi, ngày mùng 10 tháng tám năm Bính Ngọ, ông hoá. Vua Hán phong cho em ông thay quyền cai trị ở phủ. Một thời gian sau, ông Quang hoá ngày mùng 10 tháng hai năm Đinh Mùi. Đến triều vua Bính Đế, nghe tiếng hai ông có nhiều công với nhà Hán, bèn sai sứ sắc phong là Thiện Nguyễn Công Tế Thế Hộ Quốc đại vương và Quang Lai Công Dực Vận Hiển Hựu đại vương cho phép Nga My, Cửu Chân, Nhật Nam, Hải Dương cùng thờ phụng hai ông.

Đình Nga My Thượng giữ được 2 bộ long ngai; 1 bát hương bằng đồng, chạm lưỡng long chầu nguyệt,1 bia đá bốn mặt.

Lễ hội mở từ ngày 12 đến hết ngày 20 tháng mười một âm lịch.

Đình Nga My Thượng đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá năm 2006./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)