Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức)

Sơn Dương (t/h) 16:59 26/04/2023

Đình Ngãi Cầu thuộc An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Mục đầu tiên của di tích là Nghi môn xây gạch, mái ngói, có chính môn và tả hữu môn tạo thành 3 lối đi như kiến trúc Tam quan của chùa. Trang trí trên Nghi môn chỉ có hai hổ phù đắp nổi ở đỉnh hai tường hồi. Hình tượng hổ phù khá dữ, miệng đang nhả ra mặt trăng, đó là một hình thức chung của nhiều nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ. Biểu tượng này gắn với tích “khuấy biển sữa” với ý niệm cầu được mùa của cư dân nông nghiệp. Hạng mục tiếp theo là Phương đình kết cấu theo kiểu 2 tầng 8 mái, không có tường bao. Bởi kết cấu này cho thấy vai trò của Nho giáo và Nho sĩ đã tác động vào kiến trúc.

Tòa Phương đình được dựng đơn giản, trang trí chủ yếu là rồng lá, hoa và vân xoắn. Hạng mục chính của di tích là Đại bái và Hậu cung. Đại bái là ngôi nhà 3 gian 2 chái, lợp ngói ri, bốn góc mái đao cong tạo sự bay bổng. Bờ nóc nổi cao, bên trên trang trí hoa chanh, chính giữa là hình mặt trời, cuối bờ nóc là 2 đầu kim với đầu và vân xoắn. Vào bên trong, các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “giá chiêng, cốn chồng rường” và bẩy hiên, xung quanh bưng ván, phía trước có hệ thống cửa bức bàn. Trên các bộ vì này, người xưa đã trang trí những mảng chạm khá đẹp theo tích tứ linh và vân xoắn. Tại các đầu bẩy là hình tượng của phượng, long, mã, trúc, mai.

Điều đáng quan tâm đối với đình Ngãi Cầu là 8 khám thờ ở hai bên đầu hồi. Đây là 8 khám của 8 giáp và cũng là sự phân chia ngôi thứ của các giáp trong làng. Hậu cung của đình là một cung cấm được bưng kín bằng gỗ, đặt trên sàn cao, mặt trước có cửa bức bàn, bên trong đặt bài vị của 5 vị Thành hoàng làng gồm 4 nam thần và 1 nữ thần. Đó là các vị đã sống dưới thời Hùng Vương. Truyền thuyết kể rằng, chính các vị này đã âm phù giúp Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Trần Quốc Tuấn đánh giặc... Hiện nay, đình còn giữ được 19 đạo sắc phong cổ, trong đó có cả sắc phong thời Quang Trung thứ 5 (1792). Ngoài ra, đình còn bảo lưu được nhang án, hoành phi, câu đối và 5 tấm bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Đặc biệt, năm 1669, làng có lập văn khế bán cửa đình cho phường hát, hay việc học điền, làm lễ ruộng lính...

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)