Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình, đền Nam Phú (huyện Phú Xuyên)

Sơn Dương (t/h) 14:22 25/04/2023

Đình, đền Nam Phú thuộc thôn Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội. Tới di tích này có thể đi theo lộ trình sau: Từ thành phố Hà Nội đi theo đường 70 tới ga Văn Điển, rẽ phải vào Quốc lộ số 1A mới, đi qua Ngọc Hồi, Quán Gánh, Đỗ Xá, hết làng Đống Chanh rẽ trái vào đường Nội Hợp khoảng 1km là đến di tích.

Đình, đền Nam Phú là nơi thờ phụng Tam vị Đức Thánh Tản. Đây là những vị Thành hoàng đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, có công giúp nước che dân vào thời vua Hùng.

Đình toạ lạc trên khu đất giữa làng, nhìn theo hướng tây bắc gồm 3 gian 2 chái, có chiều dài 18m20, rộng 10m80. Nhìn từ bên ngoài, đình có đặc trưng kiến trúc thời Lê với bốn mái uốn cong hình đao. Chính giữa bờ nóc là hình ảnh của mặt trời, trên bờ nóc có Makara miệng ngậm bờ nan, đuôi xoắn lên tựa bánh xe luân hồi, ở khúc khuỷu có khối tượng con giống bằng đất nung mang nghệ thuật tượng của thời Lê. Kiến trúc nội thất toà Đại đình gồm các bộ vì có kết cấu 4 hàng chân cột. Cột to chính (tứ trụ) chu vi 150cm, cột quân chu vi 115cm. Đặc điểm của các cột là phía trên đặt đấu vuông thót đáy, dưới kê chân tảng bằng đá vuông, phần thân cột có lỗ đục ghép sàn. Tương ứng với mỗi hàng cột là kiến trúc bộ vì mái dốc. Hai bộ vì gian giữa làm theo kiểu “thượng chồng rường con nhị, trung cốn chồng rường, hậu bẩy hiện”. Phía dưới câu đầu là hai đầu dư, đây là hai đầu rồng được tạo tác bằng kỹ thuật chạm lộng công phu với rồng mắt to, đao mác hơi tù, xoắn rồi bay ngược về phía sau đặc trưng của nghệ thuật rồng niên đại cuối Lê đầu Nguyễn. Hai bộ vì gian bên kết cấu theo kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ suốt, hậu bảy hiên”. Các kẻ của bộ vì chạm tứ linh theo suốt chiều dài của kẻ. Riêng kẻ gian bên tả phía tiền còn dấu tích của nghệ thuật trang trí thế kỉ XVII - XVIII. Các nghé kẻ được tạo tác thành đầu rồng có niên đại thế kỉ XVIII. Vì thượng của chái bên tả kết cấu theo kiểu “chồng rường trụ trốn”.

Đền quay hướng tây nam, trên khoảng đất cao hơn mặt sân khoảng 100cm, gồm các hạng mục: Nghi môn, Đại bái, Hậu cung. Nghi môn đền được làm theo kiểu Nghi môn trụ biểu đèn lồng bằng chất liệu vôi vữa, gồm 2 cột chính và 2 cột phụ hình khối hộp chữ nhật tạo thành 3 lối đi chính. Đại bái đền Nam Phú chia làm 5 gian 2 chái, có chiều dài 17m 25cm, chiều rộng 14m 70cm. Bộ vì Đại bái gồm 7 gian, kết cấu năm hàng chân cột. Hậu cung đền được làm song song và sát với toà Đại bái. Vì chính của Hậu cung kết cấu kiểu “kèo kẻ giá chiêng, hạ quá giang trốn hàng cột cái”. Hiền cung có xà nách nối từ tường tiền ra tường hậu, phía trên xà là các con rường nách chồng lên nhau qua đấu kê và trụ, đầu các con rường chạm lá lật.

Trải qua thời gian, đình và đền Nam Phú còn lưu giữ được nhiều di vật quý: 1 quyển thần phả bằng chữ Hán và nhiều bản sao, bản dịch ghi lại sự tích về Tản Viên Sơn Thánh, 1 long ngai bài vị Thành hoàng làng, 14 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến trước đây phong cho Thành hoàng làng, đạo sớm nhất năm 1650, đạo muộn nhất năm 1924, 1 hương án có kích thước 200 x 115 x 150 cm, 01 cửa võng nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn và nhiều đồ tế tự khác như: lọ lộc bình, đài nước, mâm bồng, cờ, quạt, tàn, lọng, bát, đĩa, choé, bát hương ...

Đình, đền Nam Phú đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)