Đình, chùa Nam Dư Hạ (quận Hoàng Mai)
Đình chùa Nam Dư Hạ trước đây thuộc xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nay thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đình Nam Dư Hạ hiện nay không còn tài liệu nào ghi rõ niên đại xây dựng. Đình đã qua nhiều lần tu sửa nhưng kiến trúc vẫn mang phong cách dân tộc.
Những sắc phong và ngọc phả còn lưu tại đình cho biết đình thờ ba vị thần Tam đầu là Cửu Vĩ Long Vương (theo truyền thuyết thần có công phù giúp Lê Lợi chống quân Minh) Thái uý chưởng võ Thái sư Nguyễn Xí, một trong những khai quốc công thần của nhà Lê, và Lê An Hoàng thái hậu Chương Thị Miếu.
Đình Nam Dư Hạ còn lưu giữ được cửa mã, một kiểu kiến trúc cổ rất hiếm ở Việt Nam (còn ở chùa Kim Liên, chùa Nghi Tàm thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội) thuộc thế kỷ XVIII. Tại cửa mã, hai bên có 2 trụ gạch vuông có đắp nhiều hình hoa quả. Mái cửa mã lợp ngói ta, trên bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, bộ vì mái bằng gỗ chạm rồng cuốn thuỷ, nét chạm rất sống động. Ngoài cửa mã chính, bên phải còn một cổng nhỏ, xây 2 tầng mái. Qua cổng là sân đình khá rộng, hai bên là hai dãy tả hữu 5 gian 2 chái.
Đại đình rộng 5 gian, có 5 cửa vào theo kiểu vòm cuốn. Qua một hiên rộng 1,8m với 4 cột hiện tròn là vào tới Hậu cung. Đình Nam Dư Hạ còn lưu giữ được nhiều đồ thờ mang dấu ấn nghệ thuật thế kỷ XIX. Ngai thờ được chạm trổ tinh vi các hình rồng phượng, mây, hoa lá. Ngoài ra còn 3 kiệu bát cống nguyên vẹn, sơn son thếp vàng, chạm khắc tỉ mỉ, trau chuốt hình tượng rồng, mang phong cách nghệ thuật cuối Lê, đầu Nguyễn.
Đình còn giữ được 12 đạo sắc phong các triều Lê, Nguyễn (1783- 1924). Chùa Nam Dư Hạ còn có tên là chùa Thiên Phúc.
Chùa có quy mô kiến trúc khá lớn, gồm tam quan, chùa chính, hai dãy hành lang, điện thờ Mẫu, nhà Tổ.
Tam quan xây bằng gạch. Trên cửa chính là gác chuông. Hai cột trụ chính đắp cao bằng đỉnh gác chuông, đỉnh cột trụ đắp hình búp sen, mái gác chuông xây 2 tầng 8 mái, các đầu đạo hình con rồng cong vút.
Phật điện kiến trúc kiểu chữ “đinh”, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, gồm 3 gian Tiền tế, 2 gian Hậu cung, kiến trúc kiểu chồng rường hạ kẻ, bào trơn đóng bén.
Phía sau Phật điện là nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, kiến trúc tương tự Phật điện nhưng thấp hơn.
Chùa còn lưu giữ được hơn 50 pho tượng Phật có niên đại khác nhau, thuộc thế kỷ XVIII - XIX. Ngoài ra còn 4 tượng Tổ, 3 tượng Mẫu, 13 bức tranh, 6 bia đá, 6 đôi câu đối, nhiều lọ bình gốm sứ và đồ tế khí, một chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800).
Đình và chùa Nam Dư Hạ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01