Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Mông Phụ (Thị xã Sơn Tây)

Sơn Dương (t/h) 11:08 25/04/2023

Thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây có một ngôi đình thờ Thành hoàng làng là Bố Cái Đại vương - Phùng Hưng. Nhân dân gọi theo tên thôn là đình Mông Phụ.

Theo kết quả điền dã của Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sơn Tây, thì đình Mông Phụ hiện nay chưa xác định được chính xác vị thần được thờ. Ngoài Phùng Hưng, còn có tài liệu cho rằng đình thờ Tản Viên hay một đứa trẻ.

Theo các nguồn sử liệu cho biết, Phùng Hưng là người ấp Đường Lâm, nhà giàu, có sức khoẻ hơn người (vật được trâu, đánh chết hổ). Ông là người nhân đức, có lòng yêu thương nhân dân. Phùng Hưng có hai người em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh. Ba anh em đã chiêu mộ nghĩa quân hào kiệt, dấy binh khởi nghĩa chống lại ách thống trị đô hộ của nhà Đường. Nghĩa quân khi đánh thành Tống Bình thì tướng địch là Cao Chính Bình bị thua, lo lắng mà chết. Phùng Hưng nắm giữ phủ thành, tổ chức việc chính trị, mong xây dựng nền độc lập tự chủ lâu dài cho đất nước. Sau khi nhà vua mất, nhân dân nhớ ơn tôn là Bố Cái Đại Vương.

Quy mô đình gồm các hạng mục: Nghi môn, Tả mạc, Hữu mạc, Đại đình và Hậu cung.

Nghi môn đình được xây kiểu trụ biểu lồng đèn kết hợp với các bức tường lửng xây bao quanh đình. Qua cổng, ở hai bên sân đình là hai dãy Tả hữu mạc, mỗi dãy gồm 3 gian 2 chái. Các bộ vì được làm kiểu quá giang, cột trụ bào trơn đóng bén.

Đại đình Mông Phụ được làm kiểu chữ “công”. Các bộ vì Đại bái được làm thống nhất kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ ngồi, bảy hiên”, trên mặt bằng 6 hàng chân cột.

Nếu như các cấu kiện kiến trúc ở toà Hậu cung được làm kiểu bào trơn đóng bén nơi cung cấm tôn nghiêm thì bộ khung toà Đại bái được trang trí chạm khắc rất đa dạng và phong phú. Các đầu dư chạm rồng mang phong cách thời Hậu Lê. Trên thân các xà, bảy, ván nong hay trên các bức cốn đều chạm trang trí theo đề tài: quần long, long vân, ngư long hý thuỷ... mang phong cách thời Hậu Lê. Đặc biệt trước cửa vào Hậu cung đình còn giữ nguyên vẹn các bức chạm tứ linh, hổ phù mang dấu ấn nghệ thuật thế kỉ XVIII. Ngoài ra, đình Mông Phụ còn giữ được nguyên vẹn hệ thống cột, toàn bộ sập và hàng lan can con tiện quanh đình.

Về di vật tại di tích, đình Mông Phụ hiện còn lưu giữ được 17 đạo sắc phong, kiệu bát cống, các đồ tế tự bằng gỗ, gốm sứ, hoành phi, câu đối, cửa võng.

Nhân dân xã Đường Lâm nói chung và làng Mông Phụ nói riêng rất đỗi tự hào về mảnh đất nơi mình sinh sống là vùng đất địa linh nhân kiệt - một quê có hai vua (Phùng Hưng và Ngô Quyền).

Đình Mông Phụ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1984./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)