Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Miêng Hạ (huyện Ứng Hòa)

Sơn Dương (t/h) 11:05 25/04/2023

Đền Miêng Hạ thuộc xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Đền Miêng Hạ có hai toà là đền Thượng và đền Hạ, nằm trong khuôn viên cụm di tích đình - đền - chùa Miêng Hạ. Nhìn từ xa, ngôi đền uy nghi lỗng lẫy với những mái đao cong vút giữa vườn cây lâu năm.

Đến di tích có thể đi bằng các phương tiện giao thông đường bộ rất thuận lợi. Từ Hà Nội theo Quốc lộ 6 đến ngã ba Ba La rẽ trái, theo Quốc lộ 22, đến Cầu Lão, rẽ vào đường 73 khoảng 2km là đến địa phận làng Miêng Hạ, đi tiếp 500m nữa là tới di tích.

Hạng mục đầu tiên của đền Miêng Hạ là Nghi môn, có kết cấu kiến trúc độc đáo với 3 tầng 12 mái, 4 trụ, hệ thống vì kèo kiểu chồng diêm. Trên mái đắp những con kìm bằng đất nung theo phong cách truyền thống. Đây là toà Nghi môn mang kiến trúc thời Tây Sơn.

Toà đền thứ nhất là nơi thờ vị thần Đệ nhất Cao Sơn đại vương - vị Thành hoàng cao nhất làng Miêng Hạ nên gọi là đền Thượng. Nền đất ngôi đền này tương truyền là đồn binh của tướng Cao Sơn xây dựng để chống giặc ngoại xâm từ phía nam nước Văn Lang thời các vua Hùng.

Theo ghi trên câu đầu thì đền Hạ làm vào năm Chiêu Thống thứ nhất (1786), đền Thượng làm vào năm 1748. Như vậy, đền Miêng Hạ còn có thời gian khởi dựng trước ngôi đình.

Trong đền Thượng còn một số viên đá vía, chiều dài 35cm, rộng 28cm, dày 10cm, trên mặt có khắc lõm chữ “thập” định bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Đây là tục thờ đá - tín ngưỡng cổ của người Việt nên di tích này còn có tên là đền Thạch.

Đền Miêng hạ là nơi còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật thời Lê như hương án, long ngai, phỗng, nghê, giá văn..., Đặc biệt là hương án đặt ở đền Hạ - một tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp chạm lộng tinh vi, nhiều tầng lớp hoa văn: lớp cánh sen, long cuốn thuỷ, rồng tranh châu theo phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Đền Miêng Hạ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)