Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Mậu Hoà (huyện Hoài Đức)

Sơn Dương (t/h) 10:09 25/04/2023

Đình Mậu Hoà thuộc xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Đình nằm ven sông Đáy quay hướng bắc, mặt ngoảnh về ngôi quán cổ. Đây là nơi thờ Phạm Đông Nga, một vị tướng tài của Đinh Tiên Hoàng. Tại đình, còn lưu giữ được một tấm bia thời Lê, niên hiệu Hồng Thuận thứ 4 (1512) nói về tiểu sử của đức Thành hoàng Phạm Đông Nga. Ngoài ra, còn một số tấm bia được khắc năm Thành Thái thứ 12 (1900) nói về việc 4 giáp của làng cùng đóng góp công sức để tu sửa ngôi đình.

Sự kiện dựng đình còn ghi rõ ở câu đầu bên phải, ngày 25 tháng chạp năm Kỷ Hợi niên hiệu Thành Thái thứ 11 (1899).

Đình Mậu Hoà được xây dựng vào khoảng thời Lê nhưng những dấu vết còn lại qua những lần tu sửa thì cho thấy vào thế kỷ XIX. Đình có kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Đại bái và Hậu cung, Tả hữu mạc.

Đại bái có quy mô bề thế gồm 3 gian 2 chái, có kích thước dài 20m, rộng 8,7m, lòng hiên rộng 1,2m. Hai bộ vì gian giữa có kết cấu theo kiểu thức “kẻ chuyền” trên 6 hàng chân cột. Trong đó, vì nóc có thêm 2 trụ trốn để đỡ rường bụng lợn, tạo ra kiểu “giá chiêng” nhỏ; vì hai gian bên được làm theo kiểu “chồng rường”, các con rường ngay trên câu đầu là rường cụt tạo khoảng trống. Tại các thân kẻ bẩy được cổ nhân chạm rồng, hoa lá như nhiều ngôi đình có cùng niên đại thời Nguyễn. Nhưng điều đặc biệt ở đây là các con rường giữa cột cái và cột quân phía trước của 2 gian bên lắp xít nhau tạo thành cốn mê có tiết diện rộng để trang trí các đề tài truyền thống. Nếu mặt trước cốn mê chạm bong kênh theo tích tứ linh thì mặt sau lại chạm các hoạt cảnh dân gian như hai cụ già ngồi trên sập để thõng một chân xuống, ở giữa có bàn cờ, cụ bên trong đánh đàn nguyệt, cụ ngồi bên ngoài nâng chén trà, xung quanh có các nhân vật chạm nhỏ hơn gồm một tiểu đồng đang đun nước, một tiểu đồng bưng đĩa phật thủ, xa xa một tiểu đồng giơ cao chiếc quạt lông, bên trên có một con rồng đội cuốn thư. Trong cuốn thư khắc bài thơ nói về đôi bạn Bá Nha và Chung Tử Kỳ như sau:

Trời cao mới có khúc nhạc này
Trần gian đâu tá mấy kẻ hay
Cuộc đời thua được nào ai biết
Đổi cả giang sơn cuộc tỉnh say.

Nhân dân địa phương thì cho rằng, đây là mảng chạm Đế Thích đánh cờ, Bá Nha gảy đàn nên đã vịnh:

Nha khéo gảy đàn cầm
Nước cờ Đế Thích trên trần gian thua.

Bức cốn bên phải chạm cảnh “Đăng đàn bái tướng” mà đôi câu đối ngắn ghi rõ cảnh này: Tướng tài quá nhị/ Quốc sĩ vô song. Nghĩa là: Tướng tài chỉ một/ Quốc sĩ không hai. Nội dung của bức cốn chạm cảnh một tướng đứng phía sau hương án như một ẩn sĩ, phía trước hương án là một đoàn quan quân vác biển, dắt ngựa đến bái yết, phía dưới vị tướng có cảnh săn hươu. Bức cốn này chạm các nhân vật trải dài theo thời gian tuyến tính, không hề bị che khuất nhau. Hình tượng người theo kích thước to nhỏ khác nhau được phối cảnh theo hướng nhìn từ trên xuống mang phong cách điểm nhãn rất sinh động.

Ngoài các đồ tế tự như bát hương, hoành phi, câu đối, đình Mậu Hòa còn lưu giữ bản thần phả “Tổng đốc đại vương thần từ ký” khắc vào đá năm Hồng Thuận thứ 1 (1512) do Nguyễn Ích Tốn, đỗ tiến sĩ Tam giáp năm Giáp Thìn (1484) soạn. Đây có thể xem là một trong ít bản thần phả cổ tính đến thời điểm hiện nay.

Đình Mậu Hoà đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)