Tác giả - tác phẩm

Chỉ nước mắt không bao giờ quên mặn

Đặng Huy Giang 26/04/2023 05:45

Sau hơn 50 năm theo đuổi thơ ca, nhà thơ Nguyễn Việt Bắc đã ra mắt độc giả nhiều tập thơ như: “Dội hoa lên trăng”, “Gặt chữ”, “Người ta và tôi”, “Bom chữ ngũ hành”, “Một mình trăng lên”, “Buồn không đóng cửa”… Những tưởng người kiến trúc sư ấy đã dừng lại và không “dây dưa” với thơ nữa nhưng gần đây, ông tiếp tục ra mắt ấn phẩm “Nguyễn Việt Bắc - Thơ và trái tim bạn bè”.

Trước hết, có thể nói rằng thơ của Nguyễn Việt Bắc thiên về trực giác. Dường như cả tâm lẫn trí không đè nặng lên ông và không ảnh hưởng gì đến ông. Thơ ông có vẻ đẹp tự nhiên và thanh thoát. Nhiều khi cái sự bất chợt, hốt nhiên đã trở thành nguồn thơ và trở thành thế mạnh trong ông. Người sở hữu một khả năng bẩm sinh và một bản năng thơ như thế là rất hiếm. Bởi thế, thơ ông hầu như không mang dấu vết của kỹ thuật, dấu vết của nghề. Ông không vướng bận những gì ở ngoài ông. Thơ ào đến ông như những làn gió và ông đón nhận nó, hoà vào nó, rồi cứ thế đưa nó nhập vai rất tự nhiên vào những đứa con tinh thần của mình. Bởi thế, nhiều khi thơ ông chỉ “cảm thấy” được mà không cần “nhận thấy” được. Mà sự “cảm thấy”, bao giờ cũng đem cho người thưởng thức một cảm giác lạ, không cần diễn giải bằng lời. Bởi thế, thơ ông không quá nặng nề với việc “viết từ cái gì” và “viết vì cái gì”, “viết cho ai” và “viết vì ai”. Bởi thế, thơ ông luôn đẹp một cách bâng khuâng, đẹp một cách là lạ. Ấn phẩm “Nguyễn Việt Bắc - Thơ và trái tim bạn bè” chính là nơi hiện rõ chân dung này của ông.

bia-sach-nguyen-viet-bac.jpg

Bài thơ “Sáng tháng Ba” là ví dụ thứ nhất. Vẫn là cây gạo đầy hoa, mưa bụi rất nhiều, người người đội nón ra đồng trong thời điểm tháng Ba ở nông thôn... vậy mà tác giả cảm thấy được cái khác của nắng dưới đất và mây trên trời: “Nắng đồng chỗ đậm chỗ thưa/ Mây bay mơn mởn như chưa lấy chồng”.

“Về làng” là ví dụ thứ hai. Chỉ có một lần về làng, chứng kiến bình minh của làng, thấy đồng lúa chín vàng, gặp những người thân thiết ở làng… vậy mà lúc nửa đêm, tác giả nghe được âm thanh lạ của làng: “Nửa đêm xào xạc/ Lá đa/ Có ai nghe tiếng người già gọi trăng”.

Cảm thấy được: “Mây bay mơn mởn như chưa lấy chồng” và chợt nhận ra: “Có ai nghe tiếng người già gọi trăng”, là hai câu thơ hay, vừa tình tứ vừa ý nhị, tựa như bắt được vậy!

“Ngày nghỉ” là ví dụ thứ ba. Một ngày nghỉ mà mấy phút lại ngó một lần chờ tin nhắn. Vậy mà “Ngày nghỉ dài ra/ Tin nhắn lại rất ngắn” trong khi “Nắng nhạt/ Mưa lây phây”. Không phải tác giả mong tin nhắn mà là mong người. Chính xác ra là mong gặp người qua tin nhắn. Có lẽ chưa ai viết một cách hay như thế về sự đợi chờ qua điện thoại bằng Nguyễn Việt Bắc: “Cứ như người đi trên dây/ Mong mỏi/ Anh như hòn than nướng/ Không khói”.

“Chị tôi” là ví dụ thứ tư. Bài thơ không chỉ đụng đến số phận một con người, mà còn đụng đến cái quẩn quanh của kiếp người. Những câu thơ như thế này không phải dễ viết và không phải ai cũng dễ dàng viết được: “Công danh như gió thoảng qua/ Đời người ngắn ngủi như là chiêm bao/ Mồng tơi vấn vít tường rào/ Có con bươm bướm bay vào thiên thu.../ Đầu thai vào trái mù u/ Nỗi buồn kiếp trước đánh đu kiếp này/ Chị tôi đi trước cái cầy/ Nỗi buồn/ Kiếp trước/ Kiếp này/ Kiếp sau?”

“Chợ làng” là ví dụ thứ năm. Ít ai ra chợ mà tinh ý nhận ra nét chân quê còn lưu giữ lại ở “mớ rau, con cá rơm vàng buộc xâu”, ở “bàn chân cấu nắng, trên đầu nón mê” và phát hiện ra: “Bà ngồi bán quả vườn quê/ Dăm ba quả ớt tái tê cả chiều”. “Tôi” như một người con xa quê đã lâu rồi chợt nhận ra: “Nợ quê, tôi nợ rất nhiều/ Bây giờ thêm nợ cái chiều hôm nay”. Rồi như từ đó mà tác giả thấy nuối tiếc, xót xa vì những gì mà làng đã mất: “Ruộng vườn cứ tướt khỏi tay/ Bữa ăn không ớt mà cay đắng lòng”.

Và bài thơ “Làng vẫn làng mà như đi lạc” là ví dụ thứ sáu. Đây là cảm giác mất mát của một người thấy làng đang bị đô thị hoá. Không còn thấy ao thả cá; không còn thấy bèo tấm, bèo cái; không còn thấy người đi câu, bà già bỏm bẻm nhai trầu, trẻ con nhảy dây, chơi ô ăn quan… mà thấy làng giờ đây: “Gỉ gì gi cái gì cũng có”, kể cả “phố hàng mã”, “ngày ngày với nhiều tấn giấy màu” để tiêu thụ và tiêu huỷ. Cái tái tê cả chiều của người bán ớt và cái cay đắng của người không ăn ớt, xem ra cũng không xa nhau mấy nỗi. Nếu như sinh thời, nhà thơ Thợ Rèn từng viết: “Cả làng là một cục xi măng”, một nhà thơ khác từng viết: “Làng bây giờ không gì là không có/ Những thứ của làng đều từ phố thải ra/ Chỉ có cỏ là không chịu cũ/ Xanh từ thời Thánh Gióng chửa lên ba” thì trong bài thơ này, nhà thơ Nguyễn Việt Bắc viết: “Làng vẫn làng mà như đi lạc”. Xa lạ với chính nơi sinh thành ra mình, nơi chôn nhau cắt rốn đời mình… hỏi có gì buồn hơn, chua xót hơn?

Chưa dừng ở đây, cảm giác mất mát còn kéo dài hơn. Đó là nỗi mất mát về thời gian và mất mát của quá khứ giằng xé. Bài “Chuyện ở một trạm điều dưỡng” - tên một bài thơ giản dị đến nỗi khó giản dị thêm nữa, kể về những cựu thanh niên xung phong luôn nhớ về một thời hoa lửa của họ, trong đó có một người đàn bà thất thập. Gần như trong cơn mê sảng, người ấy vẫn giữ nguyên ký ức: “Tôi vẫn đẹp như tiên/ Và vẫn còn vẹn nguyên” và “Chẳng tiếc gì chỉ tiếc chàng trai trẻ/ Sao cứ đi đi mãi không về”. Cũng trong bài thơ này, mất mát do chiến tranh để lại và bi kịch của chiến tranh vẫn còn đó: “Trong cơn nhớ nhớ, quên quên/ Trong cơn dở cười, dở khóc/ Tôi thấy quá khứ như chưa hề cắt đứt/ Cuộc chiến dằng dai như chưa hề cắt đứt”.

Nguyễn Việt Bắc có nhiều bài thơ viết về tình yêu. Ông có nhiều câu thơ viết về đề tài này khá tài hoa, rất thân phận với nhiều ngẫm ngợi, đau đớn. Có thể dẫn ra như: “Nụ hoa chờ hạt sương đêm/ Còn tôi/ Mơ thấy bóng em thật nhiều/ Người ta thì vội vàng yêu/ Tôi im lặng/ Muốn nói điều lặng im” (Một hai); “Vo tròn một nắm bình minh/ Gỡ ra được mấy sợi tình thế thôi/ Gió men say gió qua môi/ Mà nghiêng ngả cả đất trời núi sông” (Hình như); “Một mình/ Có một mình thôi/ Tôi tan vào với đất trời và em” (Tan); “Yêu em từ lúc tóc xanh/ Mà giờ bạc tóc mình thành nợ nhau/ Em là trầu/ Anh là cau/ Đừng thêm vôi nữa để đau đến giờ” (Nợ tỉnh nợ tình); “Chỉ nước mắt không bao giờ quên mặn/ Khi buồn/ Nhớ em/ Ứa ra” (Quên)...

Viết về cố hương, Nguyễn Việt Bắc có “Thiên thai” và “Luy Lâu” rất đáng nhớ: “Một mình/ Lên đỉnh Thiên Thai/ Đến nơi bỗng thấy/ Thành hai con người/ Một người/ Theo gió rong chơi/ Một người/ Ngồi/ Với bời bời/ Cỏ xanh”; “Luy Lâu thành cũ Luy Lâu/ Ẩn trong phơ phất cỏ lau bên đường/ Tôi về cỏ vẫn ngậm sương/ Con chim kêu tiếng vẫn thương thương là/ Rung rinh rặng ổi khóm hoa/ Tôi bệt xuống cỏ để mà chiêm bao/ Bỗng nhiên gió thổi ào ào/ Hồn người giữ đất bay vào trời xanh/ Ngày qua nhanh, tháng qua nhanh/ Vẫn xanh như cỏ tường thành Luy Lâu”.

Bài “Ta giẫm vào ta” làm tôi ngạc nhiên. Cảm giác tác giả đang sống ở một cảnh giới không ở cõi trần, mà nếu có sống ở cõi trần thì cũng như đang được tiếp nối từ bằng sự chuyển cõi vậy. Bài thơ có bốn câu kết thật chí lý: “Ta có trong ánh sáng bình minh/ Hạt cát li ti kiếp trước/ Ta hiến trọn mình cho cỏ mọc/ Hàng ngày/ Ta có giẫm vào ta?”.
Tôi cũng ngạc nhiên trước “Ta” với: “Bãi cát/ hạt trắng/ hạt vàng/ Thân tôi một hạt/ lang thang/ bến bờ” và “Không cầm được” với: “Nước không cầm được/ Lửa không cầm được/ Tâm hồn không cầm được/ Những cái không cầm được/ Làm người ta sống lâu hơn.”

Hơn ai hết, Nguyễn Việt Bắc luôn coi trọng kiến thức và coi kiến thức là sự giàu có tinh thần. Bởi thế mà trong “Nghèo”, ông hạ bút: “Có ba cái áo mặc/ Tự thấy đã đủ dùng/ Không một cuốn sách mới/ Bỗng túng nghèo vô cùng”. Hơn ai hết, Nguyễn Việt Bắc quan niệm: “Cái gì đến cứ đến” (Cái gì đến cứ đến) và: “Mai sau là hạt cát/ Giờ hãy là bông hoa” (Hoa).

6-cuon-sach-phat-trien-tai-chinh-ca-nha_1836213.jpg

Như thế, ông đã chấp nhận tất cả và thản nhiên sống, ông đã là người hiểu được quy luật của tạo hoá. Cũng như thế, ông đã bình tĩnh sống thật hết mình với hôm nay, với những khoảnh khắc đang diễn ra tức thì. Còn hạt cát (cát bụi) ư? Đấy là chuyện sau này mà ông chẳng phải vội nghĩ đến và bận tâm làm gì.

Đặng Huy Giang