70 năm vì nền nghệ thuật múa Việt Nam
Trong 85 năm tuổi đời, nghệ sĩ ưu tú Như Bình đã có 70 năm đồng hành cùng nghệ thuật múa Việt Nam. Mỗi khi nhắc đến tên ông, những người trong giới nghề đều không quên một Như Bình - diễn viên múa dân tộc và vũ Ba-lê; một Như Bình - nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn; một Như Bình biên đạo múa trở thành đạo diễn, rồi tổng đạo diễn “vang bóng một thời”.
Ba anh em đều làm nghệ sĩ
Ngày 1/6/1953, Đoàn văn công nhân dân Trung ương về Yên Bái biểu diễn và tuyển chọn diễn viên. Người trực tiếp tuyển chọn là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (sau này là Viện sĩ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) và biên đạo múa Hoàng Châu (sau này là hiệu trưởng đầu tiên của trường múa Việt Nam). Trong số 500 thí sinh dự tuyển chỉ có 3 người trúng tuyển, và điều đáng ngạc nhiên là 3 người đó lại là anh em trong một gia đình: Nguyễn Thanh Đính, Nguyễn Như Bình và Nguyễn Thị Bích Đào. Nguyễn Thanh Đính là ca sĩ, đã vào chiến trường khu V phục vụ quân dân miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau này trở thành NSƯT; Nguyễn Thị Bích Đào là diễn viên Đoàn văn công Phòng không - Không quân, là “cây” thổi sáo trúc nổi tiếng; còn Nguyễn Như Bình là diễn viên chính của Đoàn văn công nhân dân Trung ương, sau trở thành nghệ sĩ vũ Ba-lê, biên đạo, vũ sư ngành múa, rồi trở thành tổng đạo diễn của hàng chục chương trình lễ hội.
Ngay từ thời trai trẻ, Như Bình đã thuộc loại diễn viên Solist của Đoàn văn công nhân dân Trung ương, thành công xuất sắc trong các tác phẩm như “Theo cờ giải phóng”, “Đôi bờ”, “Múa chuông”, “Một ông hai bà”, “Khèn Mèo”, “Tiếng trống Tây Nguyên”, tham gia vở kịch múa “Tấm Cám”, vở ca kịch đầu tiên “Enghinhi-ÔNheghim” do chuyên gia Liên Xô dàn dựng.
Nhớ một thời sôi nổi
Đầu xuân Quý Mão, tôi đến thăm và chúc Tết gia đình hai nghệ sĩ Như Bình và đạo diễn Phương Châm tại nhà riêng. Như Bình năm nay đã bước sang tuổi 85 nhưng phong thái vẫn lịch lãm, hào hoa phong nhã. Ông tặng tôi cuốn Tạp chí Người Hà Nội có bài viết “Tự hào cùng ký ức Tiến về Hà Nội” của mình rồi hàn huyên những câu chuyện năm xưa.
NSƯT Như Bình nhớ lại, để chào mừng lễ ra mắt Ủy ban quân quản Thành phố Hà Nội tại Nhà hát Lớn, ông cùng các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn văn công nhân dân Trung ương đã dàn dựng một chương trình nghệ thuật quy mô và đặc sắc mang tên “Tiến về Hà Nội”. Ngoài hợp xướng còn có tiết mục đơn ca, tốp ca, múa và mở đầu bằng màn hợp xướng do nghệ sĩ Thái Thị Liên chỉ huy bài “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. “Ngày ấy Thủ đô vừa được giải phóng, được sống trong không khí hòa bình, những nghệ sĩ chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Tình cảm giữa nhân dân, quân đội và văn nghệ sĩ, trái tim gần như hòa chung nhịp đập và chờ đón từng ngày để Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ từ “Thủ đô gió ngàn” trở về Hà Nội”, NSƯT Như Bình nhớ lại.
Sau giải phóng, Như Bình cùng Đoàn văn công nhân dân Trung ương đi biểu diễn phục vụ tuyên truyền và “khuyên” đồng bào Công giáo không di cư vào Nam.
Những năm chiến tranh chống Mỹ, Như Bình luôn có mặt trong các đoàn nghệ thuật xung kích đi phục vụ đảm bảo giao thông ở khu IV, Vĩnh Linh, Quảng Bình, đặc biệt là phục vụ quân dân ta đang chiến đấu ở Hồ Xá, cầu Hiền Lương. Năm 1967, ông còn cùng các nghệ sĩ đi biểu diễn phục vụ quân giải phóng Pathét Lào trong chiến dịch giải phóng Mường Pồn – Bắc Lào.
Ngày ấy cả nước với khẩu hiệu “Tất cả cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Như Bình được Nhà hát Ca múa nhạc - Cục biểu diễn nghệ thuật Bộ Văn hóa cử làm lãnh đạo Đoàn ca múa Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng). Biết tin, các đồng chí Phan Chiêm, nhà thơ Bảo Định Giang, đồng chí Nguyễn Khánh (Ban thống nhất Trung ương) cho gọi Như Bình quay trở lại với lý do: Cuộc kháng chiến còn lâu dài, gian khổ và vô cùng ác liệt, nhưng gia đình đã có anh trai là nghệ sĩ Thanh Đính đang biểu diễn phục vụ ở chiến trường khu V, em vợ là Minh Nguyệt đang ở Đoàn ca múa miền Nam do nhạc sĩ Xuân Hồng làm Trưởng đoàn, em gái là diễn viên Bích Đào đang ở Đoàn văn công Phòng không - Không quân. Sau đó Ban lãnh đạo chuyển Như Bình đi học Biên đạo múa ở Liên Xô 6 năm, chuyên nghiên cứu ở Học viện nghệ thuật sân khấu Matxcơva. Đây đúng là sở trường, thời cơ đang chờ đón. Nghệ sĩ Như Bình như “rồng gặp mây”, anh “nghiền” khá kỹ nghệ thuật biên đạo múa, nghệ thuật trình diễn vũ Ba-lê trong những ngày sống trên đất bạn.
Những năm đi học và công tác ở nước ngoài, Như Bình đã tham gia dàn dựng, huấn luyện cho tuổi trẻ và Việt Kiều ở Cộng hòa Séc. Thời gian tu nghiệp ở Nga - Liên Xô, được Đoàn nghệ thuật thiếu nhi anh hùng mời tham gia tác phẩm múa “Mùa xuân bên suối” và một trường đoạn trong tổ khúc “Đường phố Hòa Bình” để lấy tiền ủng hộ Việt Nam xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Về nước, anh được phân công chuyên sáng tác và biên đạo múa cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Năm 1990, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam thành lập và tiến hành Đại hội, Như Bình được tiến cử giữ chức Chánh văn phòng với 3 nhiệm kỳ liên tiếp trong 15 năm và một nhiệm kỳ được bầu vào Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Quãng thời gian này, Như Bình không những hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách của Hội, mà còn tranh thủ dàn dựng cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, cho Đoàn ca múa Tổng cục chính trị, Đoàn ca múa Thăng Long, Đoàn Nghệ thuật Bộ Công an, Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc, Đoàn ca múa Đắc Lắc, Đoàn ca múa Quảng Ninh, Đoàn ca múa Hà-Sơn-Bình.
Năm 1994, kỷ niệm 40 năm giải phóng Điện Biên Phủ, Như Bình được Ban tổ chức trao trọng trách Tổng đạo diễn chương trình lễ hội lớn mang tên “Hùng ca Điện Biên” được tổ chức ở quảng trường Cách mạng tháng Tám và Nhà hát Lớn thành phố. Ông vừa là tổng đạo diễn vừa tham gia viết kịch bản cùng các nghệ sĩ Dương Minh Châu, Huy Quyết và Trọng Hòa. Nhắc về chương trình nghệ thuật hoành tráng này, Như Bình bảo cho đến giờ ông vẫn nhớ mãi một bức tranh áp phích cỡ đại che kín cả mặt tiền Nhà hát Lớn và biển người là quần chúng tham dự. Đây cũng là một niềm hạnh phúc lớn của người nghệ sĩ. Sau đó một năm (1995) là chương trình Đại lễ Kỷ niệm 50 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 2017, Như Bình được Hội Việt kiều và Đại sứ quán Việt Nam ở Cộng hòa liên bang Đức mời làm Tổng đạo diễn lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương ở Thủ đô Berlin (CHLB Đức). Như Bình còn được mời là thành viên Đoàn Việt Nam tham gia Đại hội liên hoan thanh niên - sinh viên thế giới ở Viên (Áo), Matxcơva (Liên Xô) và được mời làm Tổng đạo diễn của Đoàn Việt Nam trong Lễ khai mạc Đại hội Liên hoan Thanh niên sinh viên Thế giới lần thứ 12 tại Matxcơva có hơn 100 quốc gia tham dự. Xem đoàn Việt Nam biểu diễn, nhiều đại biểu các nước đến ôm hôn các nghệ sĩ Việt Nam và khóc mà nói lên những lời xúc động: “Nếu như các mẹ được xem, được hiểu nền nghệ thuật múa Việt Nam biểu diễn sớm hơn thì chắc chắn trong cuộc chiến tranh của chính phủ Pháp ở Việt Nam đã có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn Hăngri Mác-tinh, Raymôngđiêng phản đối chiến tranh, chặn đứng các đoàn tàu chở quân lính Pháp và vũ khí sang Đông Dương”. Sự kiện đó Như Bình và NSND, nhạc sĩ, giáo sư Trọng Bằng đã chứng kiến và khẳng định: Đó là kết quả của tinh hoa nghệ thuật Việt Nam truyền thống, như múa khèn, múa sạp, múa nậm, múa chuông của các dân tộc Tây Bắc; múa khăn, múa nón, múa sênh tiền của người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ, múa Chăm ở Thuận Hải, Ninh Thuận, múa Khmer của đồng bằng sông Cửu Long và múa đâm trâu, múa khiên, múa chiêng, múa trống của các dân tộc Tây Nguyên.
Hết lòng với tuổi trẻ Thủ đô
Năm 1996 khi Hà Nội rộ lên phong trào thể dục nhịp điệu, Như Bình đã tận tâm giúp đỡ phong trào thanh thiếu niên trong các trường phổ thông trung học và cơ sở, đưa Aerobic vào chương trình học tạo nên một bầu không khí đua tài sôi nổi của học sinh trong các cuộc trình diễn đầy hứng thú tại Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội. GS.TS đầu tiên của ngành múa cách mạng Việt Nam Lâm Tô Lộc và Ban giám khảo cuộc thi khi ấy đã đánh giá điệu nhảy “Nhịp điệu Tây Bắc” của NSƯT - biên đạo - vũ sư Như Bình là điệu nhảy Việt Nam hay nhất, được quần chúng ưa thích nhất.
Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Như Bình nổi lên qua tác phẩm “Đường ra tiền tuyến”. Những điệu nhảy của anh như “Vaxilô”, “Nhịp điệu tuổi trẻ” được thanh niên Thủ đô mến mộ. Anh dạy nhảy cho thanh niên ở các lớp khiêu vũ nội thành Hà Nội, sáng tác múa tập thể cho thanh thiếu nhi, Như Bình dần dần trở thành cộng tác viên thân thiết của các tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Vì tuổi trẻ Hà Nội, anh dâng cả trái tim và khối óc mình cho phong trào múa của tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội. Các báo Le Courrier, Tuần tin tức, Văn hóa, An ninh Thủ đô, Tuổi trẻ Thủ đô, Văn nghệ… đồng loạt đưa tin, tôn vinh và bình luận: Báo Thể thao Văn hóa ghi nhận: “Tại cuộc thi các điệu nhảy Việt Nam và quốc tế vừa kết thúc, bên cạnh các giải trao cho thành tích biểu diễn xuất sắc, lần đầu tiên, Ban tổ chức đã lập một giải đặc biệt dành cho tác giả “Điệu nhảy Việt Nam” được quần chúng yêu thích nhất. Nó đặc biệt đến mức có 51/59 đơn vị và cá nhân sử dụng trong phần thi của mình”. Liên hoan các điệu nhảy Việt Nam của Thủ đô Hà Nội đã kết thúc nhưng dư âm của nó còn tiếp tục đi vào đời sống văn hóa của tuổi trẻ không chỉ ở Thủ đô Hà Nội mà còn nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Như Bình được tuổi trẻ Thủ đô tôn vinh, Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quyết định trao tặng cho NSƯT, vũ sư, biên đạo múa Như Bình huy chương “Vì thế hệ trẻ”.
Những phần thưởng cao quý
Khi tuổi đã cao, những hồi ức về cuộc đời, sự nghiệp được nhớ đến, như một bộ phim quay chậm, những hình ảnh, những sự kiện đáng nhớ lần lượt hiện ra. Như Bình đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động trong nghệ thuật, nhiều bằng khen, kỷ niệm chương, huy chương ghi nhận về thành tích hoạt động.
Trong sáng tác và biểu diễn, tác phẩm của Như Bình được nhiều giải cao, nhưng có một phần thưởng cao quý và vô giá, đó là tấm Huy hiệu của Bác Hồ. Nghệ sĩ Như Bình chia sẻ, trong chuyến lưu diễn quốc tế (năm 1969) biểu diễn phục vụ Hội nghị Paris (Pháp) lập lại hòa bình ở Việt Nam và đi biểu diễn ở các quốc gia: Cộng hòa Ý, ở Algêri, Liên Xô, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ… ông đã được Bác biết đến và tấm Huy hiệu cao quý này ông được Bác Hồ trao tặng vào ngày 18/7/1969 tại Phủ Chủ tịch. Cùng được tặng Huy hiệu của Bác hôm đó có các nghệ sĩ: Ái Liên (cải lương), Thanh Huyền (ca mới), Kim Liên (diễn viên Chèo… và Như Bình.
“Hôm đó chúng tôi được tin Bác đang ốm, và Thủ tướng Phạm Văn Đồng sẽ tiếp chúng tôi. Tôi thoáng buồn vì không được gặp Bác. Nhưng thật bất ngờ, cuối buổi tiếp Bác xuất hiện. Chúng tôi rất vui mừng vì được gặp Bác và trao tặng thưởng Huy hiệu cao quý của Người”, NSƯT Như Bình nhớ lại. Bên cạnh những thành tích mà ông đã gặt hái được thì tình cảm yêu quý, trân trọng của khán giả cũng chính là sự ghi nhận cho nỗ lực niềm đam mê trong hành trình 70 năm đồng hành cùng nền nghệ thuật múa Việt Nam.