Phát huy vai trò của văn nghệ sĩ trong thời kỳ hội nhập
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:48, 13/02/2021
Nghị quyết 27-NQ/TW “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” do Hội nghị Ban Chấp hành TƯ Đảng lần thứ 7 khóa X thông qua ngày 6/8/2008 đã khẳng định đội ngũ văn nghệ sĩ là một bộ phận thiết yếu của trí thức Việt Nam - lực lượng sáng tạo đặc biệt, quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đóng góp vào việc phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bằng việc sáng tạo những công trình văn học nghệ thuật (VHNT) có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, xứng tầm với những thành tựu vẻ vang của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại biểu và khách mời tặng hoa cho các nghệ sĩ tham gia chương trình "Tình yêu Hà Nội" do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và Hội Âm nhạc Hà Nội phối hợp tổ chức tháng 12/2020.
Nhìn lại chặng đường phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam (tính từ ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam 7/1948, sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời), đến nay, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã có hơn 40.000 người sinh hoạt trong 73 hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Với 5 thế hệ văn nghệ sĩ kế tiếp nhau, các văn nghệ sĩ Việt Nam đã phát huy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc, đem sức lực và tài năng của mình đồng hành cùng dân tộc trên những chặng đường của lịch sử đất nước, trở thành những “văn nghệ sĩ - chiến sĩ” như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy, đáp ứng yêu cầu làm phong phú đời sống tinh thần, nâng cao năng lực thẩm mỹ của quần chúng nhân dân hướng về Chân - Thiện - Mỹ, hướng về chất lượng cao đẹp của cuộc sống con người.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước… nền văn nghệ Việt Nam và đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu và thách thức to lớn. Để phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam, hội nhập với thế giới văn minh, hiện đại, trước hết cần phải tạo lập môi trường và điều kiện hoạt động thuận lợi và hoàn thiện, đáp ứng những đòi hỏi mới của công chúng trong nước cũng như trong giao lưu văn hóa quốc tế; tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa các chính sách, chế độ của Nhà nước nhằm trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức văn nghệ sĩ tương xứng với tài năng và đóng góp của họ cho đất nước, cho dân tộc. Thêm nữa, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lãnh đạo quản lý văn học nghệ thuật của cán bộ Đảng, chính quyền các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, am hiểu thấu đáo về đặc trưng nghề nghiệp, đặc thù của lao động nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ độc đáo của tác phẩm VHNT.
Giữa các khu vực: sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu lý luận - phê bình đội ngũ văn nghệ sĩ còn phân bố chưa cân đối; cũng như các văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành VHNT mà trình độ phát triển và lực lượng hội tụ chưa đồng đều. Bởi thế, cần có tầm nhìn xa nhiều chục năm để phát triển và đào tạo sớm những tài năng VHNT ở khắp các vùng miền trên đất nước. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ chuyên nghiệp một cách bài bản, căn cơ, từ lúc họ còn nhỏ tuổi.
Đối với những ngành nghệ thuật truyền thống của dân tộc, tiềm ẩn những tinh hoa bản sắc nghệ thuật dân tộc mà thế giới ngưỡng mộ, học tập, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đào tạo ở các trường chuyên, tận dụng các chuyên gia, bậc thầy trong nghề làm giảng viên truyền thụ “bí kíp” nghề nghiệp; có kế hoạch cụ thể bảo tồn, phát huy các thể loại VHNT đã được xếp vào hạng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được gìn giữ. Bên cạnh đó, với những ngành nghệ thuật mới, hiện đại ta chưa có truyền thống và lịch sử phát triển còn ngắn, như: nhiếp ảnh, điện ảnh, múa ba lê, âm nhạc hiện đại, kiến trúc hiện đại… thì cần chú trọng cử người ra nước ngoài học tập để nâng cao trình độ nghề nghiệp, trình độ kỹ thuật biểu diễn… theo kịp, sánh ngang với trình độ quốc tế đòi hỏi. Có kế hoạch phát triển ngành Việt Nam học ở trong nước và ở nước ngoài (trong đó có chuyên ngành về VHNT Việt Nam) để quảng bá tinh hoa, thành tựu của VHNT từ truyền thống cũng như trong đương đại, thúc đẩy sự giao lưu, hội nhập VHNT Việt Nam với thế giới.
Trước những yêu cầu thách thức mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam cần phải nỗ lực rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tư cách, trau dồi tài năng, tâm huyết với lao động nghệ thuật để xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trong xây dựng và phát triển nền VHNT Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại, nhân văn, góp phần bồi đắp nền văn hóa mới, kiến tạo chủ thể con người mới nhằm ổn định và phát triển đất nước mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng vào cộng đồng nhân loại tiến bộ, văn minh.
Văn nghệ sĩ Việt Nam cần cảnh giác trước những âm mưu chống phá, lôi kéo của những thế lực thù địch nấp dưới danh nghĩa đảm bảo “quyền con người trong xã hội dân chủ, dân sự”. Mặt khác, không chạy theo xu hướng thương mại hóa, hạ thấp các giá trị căn cốt và bền vững, đích thực của tác phẩm VHNT, không để lợi nhuận, đồng tiền chi phối trên hết, trước hết. Văn nghệ sĩ cần giữ vững bản lĩnh của người nghệ sĩ chân chính vì lợi ích tối cao của dân tộc mà tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động nghề nghiệp, tâm nguyện đồng hành cùng nhân dân, hướng tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ.