Chặn thông tin xuyên tạc thành quả phòng, chống dịch Covid-19

Tin tức - Ngày đăng : 22:16, 13/02/2021

Năm 2020, với những biện pháp quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, thực hiện đồng bộ “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện. Nổi bật là tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với Thủ đô, dù là địa bàn chịu tác động lớn, nhưng Hà Nội vẫn là một trong những địa phương đi đầu về phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch của cả nước. Các ổ dịch nhanh chóng được xử lý, các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm được truy vết và đưa đi cách ly, điều trị triệt để. Đây là tiền đề để thành phố Hà Nội đạt tăng trưởng 3,98% trong năm 2020.

Tuy nhiên, sau những ngày yên bình, khi người dân đang háo hức chờ đón Tết Tân Sửu sung túc, đoàn viên thì dịch Covid-19 quay lại ở một số địa phương với tốc độ lây nhiễm nhanh. Ngay lập tức, Chính phủ, các ngành chức năng, các địa phương - trong đó có Hà Nội, nhanh chóng kích hoạt lại phương án phòng, chống dịch. Một lần nữa, cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng lòng với quyết tâm nỗ lực cao nhất nhằm khoanh vùng, dập dịch.

Ấy thế mà, vẫn xuất hiện những kẻ đưa những thông tin xuyên tạc tình hình. Nhiều tài khoản mạng xã hội thi nhau tung tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng. Ví như, chiều 2-2, sau khi Hà Nội ghi nhận 20 ca bệnh và có 9 khu vực nhỏ bị phong tỏa tạm thời; hoặc sau khi sân bay Nội Bài xác định có 16 người thuộc diện F1 thì trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn sẽ “đóng cửa” sân bay Nội Bài, “phong tỏa Thủ đô”, gây hoang mang dư luận.

Những tin đồn “ăn theo” Covid-19, đặc biệt là phản ánh không khách quan, trung thực về tình hình phòng, chống dịch lan truyền nhanh chóng, khiến không ít người lo lắng. Riêng trong 10 ngày trở lại đây, Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội đã xử phạt 7 trường hợp với mức phạt 7,5 triệu đồng/người do sử dụng mạng xã hội đăng thông tin giả về dịch Covid-19. Đáng tiếc, có một số cán bộ, đảng viên thiếu thông tin, thiếu thận trọng kiểm chứng nhưng đã vội vàng chia sẻ, bình luận về những thông tin sai sự thật này.

Trước hết, phải khẳng định, những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước thực hiện thời gian qua luôn nhận được sự đồng thuận lớn của nhân dân. Các giải pháp đưa ra dựa trên bằng chứng khoa học cụ thể đã, đang mang lại hiệu quả thiết thực, tạo niềm tin với toàn xã hội. Các nước trên thế giới đánh giá rất cao kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam và coi đây là một hình mẫu để tham khảo, học hỏi.

Để không bị chi phối bởi những thông tin trôi nổi, thiếu căn cứ trên internet, những luồng tin có ý bôi xấu, chia rẽ, gây tâm lý hoang mang, bi quan trong phòng, chống dịch, mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, nêu cao cảnh giác, có trách nhiệm trong tiếp nhận và xử lý thông tin. Trước hết, cần chủ động và tích cực tẩy chay những đối tượng cố tình tung tin giả nhằm mục đích “đánh bóng” tên tuổi hoặc để quảng cáo bán hàng; chủ động đấu tranh, ngăn ngừa thông tin xấu độc, những thủ đoạn lợi dụng tin giả để chống phá của các thế lực thù địch. Cùng với đó, sự đi trước một bước của cơ quan chức năng bằng cách cung cấp kịp thời thông tin về các sự việc đang diễn ra là rất cần thiết. Các cơ quan quản lý báo chí, mạng xã hội cũng cần tiếp tục xử lý nghiêm khắc, kịp thời các cá nhân, đơn vị cố tình đưa thông tin thiếu khách quan, thông tin sai về công tác phòng, chống dịch Covid-19, gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và kết quả sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tập thể...

Đồng thời, mỗi người, trước hết là cán bộ, đảng viên, cần chủ động, bình tĩnh phòng tránh dịch Covid-19 bằng các biện pháp đã được cơ quan chức năng khuyến cáo thay vì hoang mang, lo lắng. Đặc biệt là không nhận và chia sẻ những tin đồn, thông tin trên mạng xã hội nếu không có căn cứ. Tiếp đó là tự giác thực hiện tốt các khuyến cáo và thông điệp “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) của Bộ Y tế để cùng lan tỏa ý thức phòng, chống dịch ra cộng đồng dân cư; hạn chế tối đa đi lại, tiếp xúc, tụ tập đông người, kể cả trong những ngày Tết; chủ động khai báo y tế trung thực để góp phần tạo điều kiện nhanh chóng truy vết, ngăn chặn dịch lan ra cộng đồng.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ, phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái cũng là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; việc hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng là một trong những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Thế nên, ngoài việc thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị, địa phương, đây là thời điểm rất cần đến tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống dịch cũng như tuyên truyền để người thân trong gia đình và những người xung quanh tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó là kịp thời giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý những đối tượng kém ý thức, phá hoại công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chủ động tham gia đấu tranh với những đối tượng này trên internet.

Năm 2020 với nhiều sóng gió, thử thách đã qua và cũng là năm bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết của Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ thế giới. Để công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta trong năm mới 2021 tiếp tục đạt hiệu quả hơn, mỗi cán bộ, đảng viên cần tham gia tích cực hơn, đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết hơn với "bệnh" tin giả, tin đồn, đặc biệt là ngăn ngừa cho được những thông tin xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận thành quả phòng, chống dịch. Thống nhất trong nhận thức, quyết tâm trong hành động, chúng ta chắc chắn sẽ không chỉ chiến thắng đại dịch mà còn tiếp tục phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, một lần nữa khẳng định ý chí và bản lĩnh Việt Nam.

HNM