NSND Phạm Thị Ngọc Bích và những vũ điệu mùa xuân Hà Nội
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:16, 14/02/2021
Sinh trưởng tại Thái Bình và được nuôi dưỡng ở Thủ đô từ năm 14 tuổi, Phạm Thị Ngọc Bích coi Hà Nội là quê hương thứ hai của mình. Chị luôn đau đáu nỗi lòng mong muốn trả ơn Hà Nội bằng những tác phẩm múa mang tình yêu dạt dào với mảnh đất và con người Tràng An thanh lịch.
NSND Phạm Thị Ngọc Bích
Năm 1979, Phạm Thị Ngọc Bích tốt nghiệp xuất sắc khóa 3, hệ 4 năm Trường Múa Việt Nam. Với thân hình lý tưởng, khuôn mặt đẹp, trình độ kỹ thuật cơ bản và biểu diễn múa ít bạn so bằng, Ngọc Bích là sự lựa chọn của nhiều đoàn nghệ thuật danh tiếng. Chị gia nhập Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương, được NSND Phùng Nhạn chăm chút, giao diễn vai chính một số tiết mục múa. Nhiều tác phẩm múa của biên đạo Chu Thúy Quỳnh, Phùng Nhạn giao cho Ngọc Bích múa solo.
Từ năm 1986, Ngọc Bích bắt đầu làm biên đạo múa cho các đoàn nghệ thuật sân khấu Trung ương và địa phương trong các vở diễn chèo, cải lương, kịch nói, múa rối... được tặng nhiều Huy chương Vàng tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và được tặng giải đặc biệt của Liên đoàn sân khấu Múa rối quốc tế.
Trong hơn 30 năm làm biên đạo, Ngọc Bích đã dàn dựng được gần 300 tiết mục múa cho vở diễn sân khấu, có hàng trăm vở đạt được Huy chương Vàng, Bạc. Chị là một trong số những nghệ sĩ có sức lao động sáng tạo nghệ thuật phi thường với hàng loạt tác phẩm múa ra đời có chất lượng chỉ trong một thời gian ngắn. Thông qua nghệ thuật múa, Ngọc Bích đã phản chiếu nét đẹp văn hóa của một thời Hà Nội đã xa, làm bừng sáng bức tranh những làng nghề tồn tại suốt ngàn năm Thăng Long - Hà Nội; sức sống mới một dòng sông Hồng cuộn sóng, của đồng quê ngoại thành, phố phường Hà Nội thời hiện đại. Ngọc Bích thích nhìn vào những cái không bình thường của đời sống để phát hiện, để tìm kiếm cho mình trong sáng tạo nghệ thuật. Khi mùa xuân đến, công việc đã vãn, chị thích đi về các làng quê ngoại thành thưởng ngoạn và quan sát phong thái lao động đón xuân ở những làng nghề: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, cốm làng Vòng… Những tác phẩm múa của Ngọc Bích tập trung phản ánh chủ đề tư tưởng xuyên suốt nhằm ca ngợi vẻ đẹp con người, đất nước, thiên nhiên thông qua ngôn ngữ múa dân tộc đằm thắm nhẹ nhàng pha chất hiện đại khỏe khoắn.
Tác phẩm múa “Sóng lụa ven đô” - Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, đợt II - 2009 là một minh chứng. Trong nắng ban mai, những dải lụa màu sắc rực rỡ tung bay tràn ngập sân khấu, các nhóm múa được sắp đặt, kết nối thành những mảng tạo hình chuyển động trong không gian ba chiều. Những động tác múa mềm mại, duyên dáng của các thiếu nữ đẹp tựa như tơ lụa… Tác phẩm sử dụng ngôn ngữ múa dân gian đương đại vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng ca ngợi vẻ đẹp của người lao động làng nghề quay tơ, dệt lụa ở làng Vạn Phúc, một làng nghề cổ nổi tiếng có từ lâu đời đã đi vào thơ ca nhạc họa.
Không chỉ có “Sóng lụa ven đô”, cũng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, đợt II - 2009 tác phẩm múa “Hồng Hà tự khúc” của chị cũng giành Huy chương Vàng. “Hồng Hà tự khúc” là sự kết tinh những rung động của tác giả trước dòng sông huyền thoại. Qua những dáng nét múa dân gian, làn điệu dân ca đồng bằng châu thổ ngập tràn cảm xúc Ngọc Bích đã khiến lòng người xem thêm xao xuyến, bâng khuâng.
Năm 2011, Ngọc Bích cho ra đời tác phẩm “Dáng xuân Tây Hồ” nhận được sự cổ vũ của đông đảo khán giả. Trên sân khấu, các diễn viên tạo hình theo tư thế ngồi thiền lễ Phật. Những động tác tay vươn cao chuyển động theo từng hồi chuông chùa ngân nga trong khói sương mờ hồ Tây lung linh huyền ảo. Dàn nữ múa di chuyển tràn đội hình. Ngôn ngữ chủ đạo là múa dân gian kết hợp với kỹ thuật quay lật nhảy của múa cổ điển Việt Nam, tạo nên một quang cảnh vui tươi của lễ hội ngày xuân với nét văn hóa tâm linh thuần Việt. Các thiếu nữ múa nhẹ nhàng thanh thoát với những cành hoa lộc biếc chồi xanh làm đẹp thêm mùa xuân Hà Nội. Tác phẩm giành được Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật múa không chuyên toàn quốc lần thứ III.
Một trong những tác phẩm múa về Hà Nội ghi dấu trong lòng công chúng do NSND Phạm Thị Ngọc Bích làm biên đạo đó là điệu múa “Hương cốm”. Tác phẩm đã được Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội trao giải Nhì năm 2012. Trong âm thanh trong veo, các thiếu nữ xinh tươi, thướt tha kiều diễm, chân lướt nhẹ trên sân khấu mang theo những chiếc sàng lá sen xanh kết hợp với những chuyển động đội hình, động tác múa tạo những đường cong mềm mại, điệu đà, sóng sánh của ngôn ngữ múa dân gian hiện đại đẹp đến mê đắm lòng người. Điệu múa đã đạt được điều mong muốn của nghệ thuật là truyền tải thông điệp ngợi ca vẻ đẹp của con người và giá trị thương hiệu của làng cốm Vòng Hà Nội.
Hà Nội nằm trong vùng châu thổ có nền văn minh lúa nước, nên cây cối, hoa lá có ý nghĩa đặc biệt. Hoa trái có tốt tươi, vạn vật phát triển, làng quê trù phú, lòng người mới bình an, yên ổn. Chủ đề tư tưởng đó được vận hành trong tư duy nghệ thuật đầy sáng tạo của Ngọc Bích, để tác phẩm múa “Những cánh hoa xuân” rồi “Tình xuân” được bay lên sân khấu Thủ đô những ngày hội xuân (Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam khen thưởng).
Có thể nói, với sự say mê và năng động, NSND Phạm Thị Ngọc Bích đã tạo nên sự lan tỏa nghệ thuật múa đến các vùng miền. Từ thực tế cuộc sống, chị đã ấp ủ, sáng tạo, cho ra nhanh ngôn ngữ biểu hiện và kết cấu tác phẩm. Những tác phẩm múa mà chị cho ra đời hơn chục năm nay được biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp và không chuyên, đều mang đến hiệu quả giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ. Gần đây nhất trong chương trình "Đêm di sản Văn hóa các dân tộc Việt Nam" được tổ chức tối 20/11/2020 tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, NSND Phạm Thị Ngọc Bích làm tổng đạo diễn là màn múa lớn mang tên “Vũ điệu xòe giữa lòng Hà Nội" với sự tham gia của gần 300 diễn viên quần chúng. Điệu xòe Thái huyền thoại với niềm đam mê từ trong ánh mắt, nụ cười rạng rỡ, tay trong tay múa giữa biển người như một sự lan tỏa kết nối giao lưu văn hóa các dân tộc vùng miền và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của công chúng Thủ đô. NSND Phạm Thị Ngọc Bích chia sẻ, năm 2020, chị còn có ý tưởng và đi thâm nhập thực tế sản xuất của người lao động ở làng gốm Bát Tràng để xây dựng tác phẩm múa “Gốm Bát Tràng”, chủ đề ca ngợi làng nghề thủ công truyền thống lâu đời của Hà Nội.
Phạm Thị Ngọc Bích gặt hái được thành công lớn: Danh hiệu NSND và Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2016). Kết quả ấy là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của một nữ nghệ sĩ múa biết vượt lên bản thân, phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp mà chị theo đuổi suốt đời.