Ông trâu trong hội làng Hà Nội
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 16:34, 14/02/2021
Ông trâu thân quen cùng tâm thức người Việt cùng làng quê Việt. Trong 12 con giáp, sau Tý (chuột) là đến Sửu (trâu):
- Ngưu hồ dĩ biến tram triều cục
Long Đỗ vẫn lưu bách chiến thành
(Hồ trâu vàng trải qua ba triều đại
Chiến tích mãi lưu đất rốn rồng)
Câu đối ở đền Kim Ngưu cạnh phủ Tây Hồ (Hà Nội) dân quen gọi đền Ông phủ Bà gợi cho ta về năm Kim Ngưu - trâu vàng. Cách đây khoảng 3000 năm, thời đồ đá mới còn để lại dấu tích xương cốt, tượng trâu đất nung ở Đình Chàng, Tiên Hội (huyện Đông Anh). Trống đồng Hiệp Hòa (Bắc Giang) còn thấy cảnh hội đâm trâu như ở Tây Nguyên; đình làng Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) có bức chạm chọi trâu; đình làng Vẽ (quận Bắc Từ Liêm) có tranh cổ “Ngư tiều canh mục” tả cảnh trẻ chăn trâu…). Nhân xuân Tân Sửu, xin lượm lặt đôi nét về văn hóa lễ hội ở một vài làng, xã, phường, phố, đô thị của đất Thăng Long - Hà Nội.
Thi cày trong lễ hội kén rể ở làng Đường Yên
1. Đình Sài Đồng, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội có câu đối bản dịch:
Đức thần sinh thời từ triều Lý,
Linh thiêng chấn động khắp trời Nam.
Bên cạnh thờ thần Linh Lang (tức hoàng tử Chân) theo Lý Thường Kiệt phá Tống bên sông Như Nguyệt, dân làng thờ Trương Liệt đại vương. Ngài là người đã mang quân theo Hai Bà Trưng về Mê Linh tụ nghĩa tham gia đánh giặc Tô Định. Khi khởi nghĩa thất bại, ngài mang quân chạy vào Thanh Hóa, rồi mất tại đó.
Hội đình Sài Đồng tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Giêng, có tục thi khuyến nông. Hội được mở đầu bằng việc một lão nông mặc quần vàng, áo đỏ, khăn nhiễu tím, dắt một con trâu mộng to đẹp vào sân đình làm lễ thánh trong tiếng nhạc, tiếng trống vang lừng. Sau đó một chàng lực điền mặc quần áo cánh diều kiểu nông dân có màu sắc, dùng con trâu đó cày lên thửa ruộng trước đình. Một cô gái xinh xắn, áo váy mới, dẻo tay tung thóc gieo mạ. Trống vang từng hồi. Dân làng reo vui cổ vũ mừng nhà nông thịnh vượng, sang năm mới nhà nhà lắm khoai, nhiều thóc. Cuộc biểu diễn kết thúc. Chàng lực điền cởi khăn đầu rồi hóa ra một cô gái tươi cười, duyên dáng. Còn cô gái gieo mạ má hồng môi thắm cởi khăn mỏ quạ lại là chàng trai lực điền vạm vỡ.
2. Làng Văn Lôi, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Hà Nội có đình thờ Lũ Lũy đại vương (tướng của Hai Bà Trưng). Trong tiệc làng ngày mồng 5 tháng Giêng cũng có trò trình nghề với các vai người đi cày, ba thợ cấy (nữ), một người cuốc góc đeo giỏ, trong giỏ để vỏ ốc nhồi. Một ông đồ mang bát to làm bằng gỗ xoan, một người bán sách chữ nho, gian bút mực (nghiên mực là hòn lóc chẹn bếp). Vai Thiên Lôi đeo cờ đuôi nheo.
Mọi người trước khi diễn trò đều phải vào đình lễ thánh.
Trò bắt đầu, tất cả các vai đều diễn động tác mô phỏng sự lao động của nghề mình làm. Vừa diễn vừa bông đùa nói khôi hài để gây cười cho công chúng đám hội. Ông Thiên Lôi chạy quanh đình làng ba vòng, rồi cầm gáo múc nước ở một cái chum vừa hò hét vừa dội nước vào đầu các vai diễn.
Diễn trò xong có 4 người rước bông lúa thần ra cửa đình làm lễ. Lúa thần là những bông lúa buộc vào đoạn cây cắm trên khúc chuối đặt trên cái chõng tre làm kiệu khiêng. Chủ tế khấn thần linh phù hộ cho dân làng “Thóc lúa đẻ ra, của nhà làm ra, của đồng làm nên”. Sau đó, lúa thần được chia cho đàn anh và các trưởng họ đem về cắm vào bình hương trên ban thờ.
3. Làng Đường Yên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội có ngôi đình thờ thánh Lê Hoa, mẫu bà (còn gọi Ả Lựu) thuở đôi mươi theo Hai Bà Trưng đánh giặc. Hội làng ngày mồng 2 tháng Hai tổ chức thi kén rể vai cậu ếch, chọc chó, bắt chạch và đặc biệt có tục khuyến nông.
Cuộc thi cày mở đầu cho hội thi canh nông. Bao giờ cũng vậy công việc của nhà nông bắt đầu từ khâu cày ruộng. Lúa có tốt hay không chính là nhờ vào việc cày sâu bừa kỹ. Trên sân đình hai chàng rể đóng vai thợ cày mặc quần áo nâu chít khăn trên đầu, đi theo là hai đầy tớ mang theo trống khẩu để cổ vũ, còn hai người đóng làm trâu mặc quần áo đen, đeo mặt nạ. Dụng cụ là chiếc cày gỗ, một dụng cụ hằng ngày. Chiếc cày đã gắn bó với nhà nông hàng ngàn năm nay, chính nó đã làm nên hạt lúa củ khoai nuôi sống con người.
Lúc này hai chàng rể chuẩn bị cho việc bắc vai trâu, công việc xong xuôi khi nghe trống lệnh cùng nhau đọc vè:
Trâu đừng đi vào đi ra
Đường cày không thẳng thì ta thua người
Đọc xong câu vè hai chàng rể bắt đầu cuộc thi tài, nếu ai cày thẳng không lệch vai cày và cày nhanh thì người đó thắng. Khi cày xong đủ 4 đường cày, tháo vai trâu, quấn thiếu vào vai cày phải tròn, chắc không tuột và xổ thì lúc đó giám trường, chủ thẻ mới thống nhất giơ thẻ báo điểm thi và thông báo chuẩn bị thi môn tiếp theo.
4. Làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội tổ chức hội chính vào ngày mồng 6 tháng Hai để tưởng nhớ Vương Thanh Cao tướng của vua Đinh Bộ Lĩnh và Đào Trực (tướng của vua Lê Hoàn). Lễ vật chính dùng tế thần là trâu và bò. Tại đình làng dâng cúng 2 con trâu mộng (mỗi thôn một con), và tại đền Thượng dâng cúng 2 con bò (mỗi thôn một con). Vì vậy, hằng năm cứ đến trước ngày hội làng khoảng 10 ngày, dân trong vùng dắt trâu bò ra chợ Sơn Đồng bán. Tục truyền, trong ngày chợ trâu bò đông đúc, người ta thấy con nào có 4 rắn mào quấn chặt bốn chân thì mua con đấy! Vì cho rằng đó là ý của thần đã chọn? Trâu được chọn làm vật hiến sinh tế thần phải là trâu mộng đủ tuổi, dáng vẻ cao ráo và cân đối khỏe mạnh, cặp sừng cong đều nhọn hoắt, dạ bình vôi… Con bò được chọn cũng phải to cao, khỏe mạnh. Trâu (bò) đều tế sống, nghĩa là sau khi đã làm thịt thui vàng, lau sạch, để cả con, dùng giá đỡ làm như trâu (bò) vẫn đang sống: đầu nghểnh cao, sừng nghênh, chân đứng thẳng. Hai con trâu (bò) được đặt hai bên hương án, đầu hướng vào phía trong điện thần. Sau khi làng cử hành tế lễ thần linh xong, thì trâu (bò) được hạ xuống chia đều cho 4 giáp: Đông Nhất, Đông Nhì, Tây Thượng và Tây Hạ. Riêng cổ trâu được cắt thành những khoanh gọi là cái năm để lại biếu các chức dịch trong làng.