Nguyễn Du với Thăng Long
Truyện - Ngày đăng : 15:11, 17/02/2021
Tranh sơn dầu “Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc Việt Nam”
của họa sĩ Lê Anh Tuấn
Tổ tiên Nguyễn Du người làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Họ này có Nguyễn Thiến đỗ Trạng nguyên năm 1532 dưới thời Mạc Đăng Doanh, sau theo giúp nhà Lê làm đến Thượng thư bộ Lại. Nguyễn Thiến sinh hai con trai là Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn, cả hai đều được phong tước Công. Đây là tước cao nhất trong 5 tước hầu. Nhưng khi Nguyễn Thiến mất, cả hai đều không theo nhà Lê nữa mà trở về với nhà Mạc. Đến khi nhà Mạc mất, cả hai lại muốn trở về với nhà Lê. Việc bị lộ, cả họ bị tội tru di, chỉ có mình Nhiệm, con Nguyễn Miễn trốn được chạy vào làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Trải hai thế kỷ, họ Nguyễn ở Tiên Điền, sinh nhiều người tài giỏi, làm quan to và đặc biệt đều giỏi thơ văn. Ca dao ở vùng này có câu: “Bao giờ Ngàn Hống hết cây/ Sông Lam hết nước họ này hết quan”.
Đầu thế kỷ XVIII, họ này sinh Nguyễn Nghiễm, đỗ Hoàng giáp khoa Tân Hợi 1731. Nguyễn Nghiễm làm quan triều Lê, được ban tước Xuân quận công, có dinh thự ở phường Bích Câu, cạnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 1765, Nguyễn Nghiễm sinh Nguyễn Du tại đây.
Năm 1775, thân phụ mất và ba năm sau, thân mẫu mất (1778), Nguyễn Du ở với anh là Nguyễn Khản, giữ chức Nhập thị bồi tụng (1773), rồi Thượng thư bộ Lại, kiêm trấn thủ xứ Sơn Tây. Năm 18 tuổi (1783), Nguyễn Du thi đỗ tam trường. Ít lâu sau, ở kinh đô xảy loạn kiêu binh, việc học hành của ông đành lỡ dở.
Năm Kỷ Dậu 1789, Quang Trung đại phá quân Thanh, vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, ông đi theo không kịp, lánh về quê vợ ở xã Hải An, Thái Bình. Đầu năm 1796, ông về Tiên Điền, kết thúc mười năm gió bụi. Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi, tháng 5 vua ngự giá ra Bắc, tới Nghệ An, ông ra đón và được phép theo xa giá ra Thăng Long. Tháng tám năm ấy, ông được bổ tri huyện Phù Dung (Hưng Yên), rồi thăng tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội). Năm Quý Hợi 1803, ông được cử lên Nam Quan nghênh tiếp sứ nhà Thanh. Năm Ất Sửu 1805, thăng Đông các học sĩ tước Du Đức hầu, vào Phú Xuân làm quan. Năm 1813, ông được thăng Cần chánh điện học sĩ, rồi được cử đi sứ Trung Quốc lo việc tuế cống. Năm 50 tuổi, ông được đặc cách thăng Hữu tham tri bộ Lễ.
Năm 1820, vua Gia Long mất, vua Minh Mệnh lên nối ngôi, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc cầu phong. Bấy giờ bệnh dịch tả hoành hành lan khắp các tỉnh Hà Tiên, Định Tường ra đến Bắc thành. Ngày 10 tháng 8 năm đó, ông cảm bệnh nặng rồi mất, lúc đó mới 56 tuổi.
Cả đời Nguyễn Du ôm nặng trong lòng mối cô trung. Trong ông có nhiều mối mâu thuẫn giằng xé. Sử triều Nguyễn chép rằng: “Du người Nghệ An, rộng học giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, đến khi ra mắt vua thì sợ sệt không dám nói gì”, “Đến khi ốm nặng không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ nói với ông là đã lạnh, ông nói “được” rồi mất, không trối lại một lời”.
Điểm qua mấy nét chính lai lịch cuộc đời Nguyễn Du để thấy cả đời ông chất chứa những buồn thương. Những tâm sự u uẩn đó được ông thể hiện rất rõ trong Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh (còn gọi là Văn chiêu hồn).
Đối với Thăng Long, đây là đất phát tích dòng họ của Nguyễn Du, đồng thời Thăng Long là nơi sinh ra, và cũng là nơi ông có nhiều gắn bó lúc thiếu thời. Mỗi lần đi sứ phương Bắc hoặc lên ải Nam Quan, ông đều nghỉ lại ở Thăng Long. Nhìn cảnh lầu gác, dinh thự vàng son lộng lẫy một thời, sau một cuộc bể dâu, nay đã trở thành đường cái quan, ông rớt nước mắt mà than rằng: “Ngẫm xưa nay, chẳng có triều đại nào tồn tại được ngàn năm”.
Tâm sự và nỗi buồn sâu lắng ấy được Nguyễn Du thể hiện qua bài thơ “Thăng Long”:
Lô Tản xưa rày vẫn núi sông
Bạc đầu còn được thấy Thăng Long
Ngàn năm dinh lớn san đường cái
Một mảng thành nay xóa cố cung
Người đẹp từng quen giờ ẵm cháu
Bạn chơi thời nhỏ thảy lên ông
Một đêm vương vấn khổ không ngủ
Tiếng sáo vi vu ánh nguyệt lồng
(Lô là tên gọi đoạn sông Nhị Hà chảy qua Hà Nội; Tản chỉ Tản Viên là núi Chúa, núi Cha trong tâm thức người Việt).
Một bài thơ khác, bài “Người gảy đàn cầm đất Long Thành”, Nguyễn Du làm trong khi đi sứ. Trong lời Tiểu dẫn, ông viết: “Hồi còn trẻ, tôi lên kinh đô thăm anh tôi, ở trọ gần Giám Hồ. Cạnh đó có các quan Tây Sơn mở cuộc hát lớn, con hát đẹp có đến gần chục người. Nàng nổi tiếng nhờ ngón đàn Nguyễn, nàng hát cũng hay và khéo nói khôi hài, mọi người say mê, đua nhau ban thưởng từng chén rượu lớn, tiền thưởng nhiều vô kể, tiền và lụa chồng đầy mặt đất. Lúc ấy tôi nấp trong bóng tối, không thấy rõ lắm. Sau được gặp ở nhà anh tôi. Nàng người thấp, má bầu, trán dô, mặt gãy, không đẹp lắm, nhưng nước da trắng trẻo, thân hình đẫy đà, khéo trang điểm, lông mày thanh. Má đánh phấn, áo màu hồng, quần lụa cánh trả, có vẻ phong nhã…”.
“Sau đó vài năm, tôi dời nhà về Nam, mấy năm liền không trở lại Long Thành. Mùa xuân năm nay, tôi phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, đi qua Long Thành. Các bạn mở tiệc đón tôi ở dinh Tuyên phủ, có gọi tất cả vài chục nữ nhạc, tôi đều không biết mặt biết tên. Chị em thay nhau múa hát rồi nghe một khúc đàn Nguyễn trong trẻo nổi lên, khác hẳn những khúc thường nghe, tôi lấy làm lạ, nhìn người gảy đàn thì thấy một chị gầy gò, vẻ tiều tụy, sắc mặt đen sạm, xấu như quỷ, áo quần mặc toàn vải thô bạc thếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi im ở cuối chiếu, chẳng hề nói cười, hình dáng thật khó coi. Tôi không biết nàng là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như đã từng quen biết, nên động lòng thương. Tiệc xong, hỏi thì chính là người trước kia đã gặp.
Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế. Tôi bồi hồi không yên, ngửng lên cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và nay. Người ta trong cõi trăm năm, những sự vinh nhục buồn vui thật không thể lường được. Sau khi từ biệt, trên đường đi, cảm thương vô hạn nên làm bài ca sau để ghi lại mối cảm hứng”.
Mối cảm thương vô hạn đó đã được Nguyễn Du thể hiện thật tài tình trong các tác phẩm của mình. Đó chính là lòng thương đời, thương người rộng mênh mông, sẵn sàng bệnh vực những thân phận thấp kém trong xã hội. Điều đó đã làm rung động lòng người. Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc đã đánh giá tác phẩm của Nguyễn Du hay nhất thế giới và vượt qua mọi thời đại. Ngày 25/10/2013, tổ chức này đã ra Nghị quyết 37C/15 vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân Văn hóa thế giới.