Nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống thuốc lá mới cho học sinh
Sáng 21/4, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Tập huấn “Hướng dẫn triển khai bộ tài liệu truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá mới”.
Buổi tập huấn do Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam và Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện, bằng hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu của Sở GD&ĐT kết hợp trực tiếp với lãnh đạo trường và giáo viên THCS trên địa bàn quận Đống Đa. Qua đó nhằm thông tin, truyền đạt các nội dung về thực trạng, cách nhận biết và tác hại của thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...) đối với các em học sinh; tác hại của thuốc lá đến sức khỏe con người, môi trường cũng như những tác động tiêu cực của thuốc lá đến đời sống xã hội. Đồng thời nêu rõ các mối nguy hại về việc ma tuý ngụy trang bằng thuốc lá điện tử...
Tham dự và phát biểu tại buổi Tập huấn, ông Nguyễn Nho Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết: Tác hại của thuốc lá đối với trẻ em, học sinh hiện nay là vấn đề thời sự, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều gia đình và tạo sự bất an trong toàn xã hội.
“Các Sở GD&ĐT tại các địa phương và nhà trường cần thông tin đến giáo viên, học sinh về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... Đồng thời, nhà trường cần đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; treo biển cấm hút thuốc lá tại các khu vực có quy định cấm theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi học tập, làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng với người học, cán bộ, viên chức, người lao động”, ông Nguyễn Nho Huy nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ buổi tập huấn, đại diện Bộ GD&ĐT, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử đối với học sinh. Trong đó, lưu ý phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ tư vấn tâm lý học đường, tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh. Bên cạnh đó phối hợp giáo dục, định hướng nhận thức của các em, để từ đó các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp. Ngoài ra, các trường học cũng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức như “nội khóa” và “ngoại khóa”, nâng cao nhận thức về Luật và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tại buổi tập huấn, “Tài liệu truyền thông, giáo dục về phòng, chống tác hại của thuốc lá mới” và cách nhận biết, phân biệt các sản phẩm thuốc lá, xu hướng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên hiện nay đã được báo cáo viên Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) giới thiệu tới các đại biểu. Các chuyên gia sức khoẻ, chuyên gia giáo dục cũng được tập huấn kỹ năng truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá trong các cơ sở giáo dục; hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THCS nhằm nâng cao nhận thức cho các em về tác hại của thuốc lá; trang bị kỹ năng phòng chống để các em tránh xa thuốc lá, nhất là thuốc lá mới, với hy vọng từ những kiến thức được giảng dạy, các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực tại gia đình và cộng đồng./.