Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Lưu Xá (huyện Hoài Đức)

Sơn Dương (t/h) 08:19 22/04/2023

Lưu Xá còn có tên là Trôi Lưu, gọi tắt là Lưu thuộc xã Đức Giang, huyện Hoài Đức. Trước đây, Lưu Xá thuộc tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.

Đình thờ Lý Bí, người anh hùng dân tộc thế kỷ VI, đã lãnh đạo nhân dân giành độc lập dân tộc, đánh tan cuộc xâm lược của nhà Lương, lập nên nước Vạn Xuân. Ông là người đầu tiên xưng danh hiệu hoàng đế, lấy niên hiệu Thiên Đức, sánh ngang với triều đại phương Bắc, thể hiện tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc. Sau khi ông mất, nhân dân Lưu Xá và nhiều nơi khác đã lập đền thờ. Các triều đại về sau đều tôn phong danh hiệu và gọi là Hắc y đại đế.

Hiện tại, đình Lưu Xá nằm trên khu đất rộng giữa làng, phía trước có hồ nước, xung quanh có một số cây cổ thụ. Từ ngoài vào là cổng đình làm theo lối nghi môn trụ biểu. Hai trụ giữa phía trên đắp bốn phượng chầu, dưới là ô lồng đèn trang trí tứ linh. Hạng mục này mới được tu bổ năm 1990. Tiếp đến là dãy Tả, hữu mạc gồm 7 gian xây theo kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì làm theo kiểu “quá giang gối tường”, soi gờ chạy chỉ thiên về độ bền chắc.

Đại bái là dãy nhà ngang bề thế, gồm 5 gian 2 chái với 4 mái đao cong. Bờ nóc và bờ dải đắp cao gắn hoa chanh, ở hai đầu bờ nóc là hình tượng long cuốn thuỷ, giữa bờ dải đắp ly, tất cả đều bằng đất nung. Bên trong là các bộ vì làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường” trên 6 hàng chân cột theo kiểu “thượng thu hạ thách” kê trên chân tảng. Phía dưới các bộ vì này là xà nách đỡ cốn rồi đến kẻ. Lối kết cấu này tạo nên sự vững chắc và có tiết diện rộng để trang trí. Ở 8 đầu dư chạm lộng hình rồng, 4 đầu kèo chạm long hoa lá, 12 đầu nghê chạm rồng, 12 bức cốn mê trên xà nách chạm tứ linh kiểu mây hoá, mặt chính trên các bức cốn nối với Hậu cung chạm tích tứ linh, mặt sau chạm hồi văn triện và hoa lá cách điệu, các thanh rường và kẻ cũng chạm hình rồng mây và hoa lá. Các đề tài chạm khắc ở đây không theo một khuôn mẫu nhất định mà luôn có sự “phá cách” của phong cách nghệ thuật cuối thời Lê sang đầu thời Nguyễn. Đặc biệt, ở hai đầu hồi của toà Đại bái bưng vấn đố lụa, đây là một trong những kiểu vách gỗ khá hiếm, phía trước lắp cửa bức bàn, gian giữa nền để thấp lát gạch Bát Tràng. Các gian bên đóng sàn theo kiểu đình sàn.

Hậu cung là 3 gian nhà dọc làm tách biệt nhưng cũng để hình dung về một ngôi đình có kiến trúc kiểu chữ “đinh”. Hạng mục này bao gồm các bộ vì làm theo kiểu “chồng rường” trên 4 hàng chân cột. Các đề tài trang trí tập trung vào vì kèo ngoài cùng, chủ yếu là hình mây và hoa lá theo phong cách thời Nguyễn. Các cửa dẫn vào Hậu cung đều sơn son thếp vàng và sơn thếp hình tứ linh, dọc gian giữa xây bệ cao bưng ván thành khám, bên trong đặt long ngại bài vị thờ vua Lý Nam Đế (544 - 555) cùng nhiều đồ thờ tự khác.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)