Quán Lương Sơn (huyện Chương Mỹ)
Quán Lương Sơn là một công trình kiến trúc văn hoá mang tên của làng. Kết cấu ngôi quán này như một ngôi đền, miếu nhưng nhân dân nơi đây vẫn quen gọi là quán. Địa danh Lương Sơn trước kia thuộc tổng Yên Kiên, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, nay thuộc xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Tới di tích, du khách xuôi theo Quốc lộ 6 đến chợ Gốt rẽ phải qua làng Quyết Hạ khoảng 3km là tới.
Theo bản ngọc phả do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và bản chép lại vào năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì quán Lương Sơn thờ ba vị tướng thời Hai Bà Trưng là Đặng Cả, Đặng Hai và Đặng Ba. Bản ngọc phả chép rằng:
Xưa kia ở đất Đường Lâm có vợ chồng Đặng Long và bà Phạm Thị Phương dời đến trang Khang Kiện (gần Lương Sơn) làm nghề dạy học. Ông bà tuổi đã cao mà chỉ mới có một người con gái. Hai ông thường tích thiện hành nhân nên được thần báo mộng sau này sẽ sinh quý tử. Quả nhiên về sau, ông bà sinh được ba người con trai và đặt tên là Đặng Cả, Đặng Hai và Đặng Ba. Từ nhỏ, ba anh em nổi tiếng thông minh, ham học thi thư võ nghệ. Lớn lên, ba anh em chiêu tập được nhiều trai tráng luyện tập võ nghệ tại Đồng Lang, Đồng Núi. Khi Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa chống giặc Tô Định, ba ông đã cùng nghĩa binh kéo về Hát Môn hưởng ứng.
Hai Bà Trưng phong các ông là Tả hữu tiền lộ tướng quân, chỉ huy đánh giặc Tô Định và lập được nhiều công lớn. Sau khi Hai Bà Trưng lên ngôi vua được ba năm, Mã Viện lại mang quân sang xâm lược. Sau một trận quyết chiến, ba ông đã cùng Hai Bà chạy về núi Thiên Quyết, sau đó ba ông về lập đồn binh ở Đồng Lang, Đồng Núi án ngữ của sông Tích. Ngày 10 tháng 11 âm lịch, ba ông cùng hoá. Để tỏ lòng tôn kính, nhân dân nơi đây đã lập miếu phụng thờ.
Gần đây, một số luận văn sử học cho rằng đó là một trận thuỷ chiến trên sông Tích do ba ông tham gia và đã hy sinh. Ngôi mộ của các ông hiện vẫn được trông nom, thờ phụng ở phía tây của làng.
Người xưa đã chọn thế đất đẹp để xây dựng lên ngôi quán này, phía trước quán có ao và những linh thụ. Quán kết cấu theo kiểu chữ “đinh”, bao gồm Đại bái và Hậu cung. Đại bái được tạo tác với bốn mái đao mềm mại, trên bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Toà Đại bái này có chiều dài 18,90m, rộng 4,33m được chia làm ba gian hai chái, các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “giá chiêng” trên mặt bằng bốn hàng chân cột (ba hàng chân cột gỗ, một hàng chân cột đá). Hậu cung nối từ gian giữa đại bái về sau tạo chuôi vồ đem đến cho ngôi quán này một lối kiến trúc truyền thống. Về nghệ thuật điêu khắc, người xưa chủ yếu bào trơn đóng bén, thiên về độ bền chắc. Đáng chú ý có hai bức chạm nổi ở cửa Hậu cung theo tích “độc long”. Hai bức chạm này đăng đối, được sơn son thếp vàng, đầu rồng hướng vào Hậu cung làm tăng vẻ thâm nghiêm cho di tích.
Nhìn chung, quán Lương Sơn với mái ngói rêu phong, cổ kính giữa một làng vùng bán sơn địa như một chốn linh thiêng tưởng niệm những người anh hùng có công với dân với nước.
Quán đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01