Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Lục Giã (huyện Phúc Thọ)

Sơn Dương (t/h) 08:10 22/04/2023

Đình Lục Giã thuộc thôn Lục Xuân, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, nằm cách trung tâm Thủ đô khoảng 53km về phía tây. Từ Hà Nội, theo đường Quốc lộ 32, qua thị trấn Phúc Thọ, rẽ phải theo Tỉnh lộ 81, đi khoảng 2km đến địa phận xã Võng Xuyên, rẽ trái theo đường liên thôn đi khoảng 1km là đến di tích.

Đình Lục Giã thờ Tản Viên Sơn Thánh và Bạch Hạc Đại Vương - có công âm phù hộ quốc, đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông và chữa bệnh cứu giúp cho dân lành.

Ngôi đình toạ trên một thế đất cao đẹp, trông về hướng đông nam. Đình được xây dựng theo kiểu chữ “vi”, gồm các hạng mục chính: Đại bái, Hậu cung và Tả - Hữu mạc.

Đại bái đình Lục Giã là một toà nhà ngang, 3 gian 2 chái, được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói ri cổ. Bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp hai đấu đỉnh, cuối bờ chảy xây giật cấp kiểu tay ngai bằng vôi vữa. Tương ứng với 3 gian 2 chái là 6 bộ vì đỡ mái. Bốn bộ vì giữa làm theo kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ suốt trên mặt bằng 4 hàng chân cột gỗ. Các bộ vì còn được liên kết với nhau bởi các xà chạy dọc nhà. Đặc biệt, 4 bộ vì này còn lưu giữ được 8 đầu dư chạm rồng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Bộ vì hồi bên trái được làm theo kiểu thượng giá chiêng chồng rường, hạ rường nách và bẩy.

Từ Đại bái qua một khoảng sân lọng, hai bên là hai dãy Tả - Hữu mạc. Mỗi bên là hai gian nhỏ, phía hậu xây bịt kín, mặt tiền để thông thoáng. Đây là nơi soát lễ vật trước khi vào dâng Thánh.

Hậu cung được làm theo kiểu tiền đạo hậu đốc với 3 mái. Phần đốc là 2 mái đao cong, đầu đao được đắp đầu rồng, đoạn gấp khúc đắp nghệ chầu, giữa bờ nóc, mái đạo đắp bức phù điêu bằng vôi vữa với chủ đề tứ linh. Bờ nóc, bờ chảy được đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp hai con rồng Makara ngậm bờ nóc. Bên trong Hậu cung, bộ vì được chia làm hai phần: phần cung cấm và phần hiện, ngăn cách bằng hệ thống cửa ván mê, cửa giữa được làm lửng, hai cửa bên được làm lối đi. Nhìn chung, trang trí trên kiến trúc gỗ toà Hậu cung được tập trung vào các bức cốn, ván mê và các đầu kẻ, đầu bẩy được chạm rất tinh xảo, bài bản theo một mô típ truyền thống mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn.

Đến nay, đình Lục Giã còn lưu giữ được nhiều di vật quý hiếm với nhiều chất liệu khác nhau: long ngai, bài vị, kiệu bát cống, kiệu long đình, bộ bát bửu... có niên đại cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Lễ hội truyền thống làng Lục Xuân được mở từ ngày 11 đến ngày 13 tháng giêng âm lịch hằng năm. Song song với phần lễ thì phần hội cũng được dân làng tổ chức với nhiều trò dân gian như: đấu vật, đánh đu, kéo co, đấu cờ tướng, bắt vịt ở sân đình, ao đình và trước cửa đình. Ngoài ra, đình Lục Giã còn có các ngày lễ âm lịch khác như: ngày 10 tháng ba (ngày sinh của Thành hoàng làng), ngày 25 tháng chín (ngày hoá của Thành hoàng làng), ngày 2 tháng bảy, ngày 2 tháng mười hai là ngày lễ tân bổ cầu đình, lễ ra hè và vào hè và các ngày lễ truyền thống khác của dân tộc.

Đình Lục Giã đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích, kiến trúc nghệ thuật năm 2006./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)