Đình Lò Rèn - phố Lò Rèn (quận Hoàn Kiếm)
Đình Lò Rèn ở số 1 phố Lò Rèn, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nếu như phần “đổ” mang chức năng đầu não về chính trị, quân sự, thì “ba mươi sáu phố phường” của Thăng Long đóng vai trò trung tâm kinh tế. Để đảm nhận vai trò này, Thăng Long xưa đã thu hút những người thợ khéo tay của nhiều làng nghề về đây dựng nghiệp. Lê Quý Đôn đã cho biết trong sách Kiến văn tiểu lục: “Thời nhà Lý mới đóng đô ở Thăng Long, người bốn phương đã lũ lượt kéo đến, tụ họp, buôn bán..”.
Ra đời trong xã hội quân chủ Nho giáo, truyền thuyết về Tổ nghề rèn cũng như các vị Tổ nghề khác (đúc đồng, thêu...) bị lồng vào tư tưởng vọng ngoại, hướng về nguồn gốc Trung Hoa của tầng lớp nho sĩ đương thời. Chuyện kể về họ thật phong phú, có khi là những người thực, có khi được đúc kết lại ở một khuôn mẫu chung nhất định, rồi cải biến lại cho phù hợp với từng nghề. Hầu như tất cả được xây dựng theo một mô típ đồng dạng: đó là những người tài giỏi, có dịp đi sứ hoặc đi thăm Trung Quốc, dùng mẹo mực, kỹ năng, kỹ xảo đưa về phổ biến cho quê mình. Theo sách Liệt Tiên truyện, Tổ nghề rèn được ghi chép lại như sau:
“Nghề sắt ở nước ta vốn có từ lâu đời, nhưng chưa được tinh xảo lắm. Thời các vua Hùng, ở vùng châu thổ sông Hồng có người tên là Cao Sơn, họ Lỗ, thông minh, tuấn tú, đã giỏi võ nghệ lại ham thích các công việc thủ công. Thấy người Thục rèn sắt khá tốt, ông tìm đường chạy sang tận bên đó, ngầm học hết các kỹ thuật bí truyền trong bảy năm trời rõng rã. Sau đó, trở về nước làm thử, cải tiến thêm cho nghề rèn của ta không thua kém gì so với các nước. Khi đã thành thục tay nghề, ông đem những kỹ thuật bí truyền ra dạy cho mọi người. Nước Nam ta rèn được tinh xảo là do ông mà ra. Sau khi ông qua đời, nghề rèn tôn ông làm Tổ sư”.
Tại đình Lò Rèn, tên hiệu các vị Tổ nghề được ghi trên bài vị như sau: - Phạm Nguyệt thánh sư, Nguyễn Nga thánh sư, Cao Sơn - Quý Minh đại vương thượng đẳng thần.
- Tả hầu thánh sư, Nguyễn Cẩn thánh sư Quảng gia đô bác đại vương trung hưng thượng đẳng thần.
- Tý cung thánh sư, Đỗ Sắc thành sư vinh quang linh ứng đại vương trung hưng thượng đẳng thần.
Theo tư liệu hồi cố của các cụ cao tuổi trong phường rèn, đình được xây dựng trong những năm 1875 - 1878. Lúc đó, ngôi đình được xây dựng một tầng với kết cấu kiến trúc truyền thống. Năm 1953, do xung quanh dân cư ngày một phát triển và mở rộng, để đảm bảo sự trang trọng và tôn vinh của vị Tổ nghề, dân phường đã tiến hành trùng tu lớn, làm thay đổi diện mạo của ngôi đình. Khác với những ngôi đình làng thường ngày chiếm lĩnh một không gian rộng, đình Lò Rèn hiện có quy mô nhỏ, với diện tích 95m2 ẩn mình trong biển kiến trúc dân dụng. Để đảm bảo cho sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng, dân làng xây dựng hai tầng để tăng diện tích sử dụng: tầng hai dùng toàn bộ cho việc phụng thờ, tầng một dùng làm nơi sinh hoạt phường hội và nơi ở cho người trông nom bảo vệ di tích. Lối lên đình đi qua một chiếc cổng rất hẹp, chỉ rộng 0.70m, phía trên có ba chữ Hán “Hành Tích từ”. Qua cổng là tới sân gạch hẹp có cầu thang dẫn lên gác hai. Đây là phần chính của di tích, được chia làm hai phần: Tiền tế và Hậu cung. Kết cấu kiến trúc ở đây đơn giản, được kết hợp bằng ba loại vật liệu chính là sắt, gạch và gỗ. Bài trí nội thất tại đây cũng không cầu kỳ nhưng trang nghiêm, gọn và sáng rõ, bởi nội dung các bức hoành phi, câu đối, được treo cao trên kiến trúc và bài vị của Tổ nghề được bày đặt ngay ngắn trong Hậu cung.
Hiện nay, phố Lò Rèn khá nhiều nhà còn giữ được nghề thủ công truyền thống này. Nếu như chỉ tính các bễ lò quê Hoè Thị thì đã có gần 20 số nhà nằm rải rác trên một đường phố nhỏ và chỉ dài 128m: đó là các số nhà 5, 11, 12, 13, 23, 27, 26, 30, 36, 38, 42... Trước đây sản phẩm của nghề rèn ở Lò Rèn và Sinh Từ gồm cày, cuốc, kéo, liềm, hái, dao phát bờ... bán cho dân kinh thành và dân các tỉnh lên Hà Nội mua. Dần dần, để đáp ứng nhu cầu thị trường, người thợ rèn đã không ngừng cải tiến mẫu, chất lượng và kỹ thuật. Đầu thế kỷ XX, họ sản xuất bu lông theo đơn đặt hàng của người Pháp để làm đường xe lửa Hà Nội - Vân Nam, Hà Nội - Sài Gòn; sản xuất các cửa sắt hoa, bản lề... dùng trong việc xây dựng các công sở, các công trình văn hoá; sản xuất khoan, kìm, búa, chàng, đục... phục vụ cho nhiều ngành nghề khác. Vào những năm Cách mạng tháng Tám 1945, tại đình Lò Rèn, “Nghiệp đoàn rèn” được thành lập. Cùng với việc cung cấp sản phẩm cho nhu cầu cuộc sống, các bễ ở Lò Rèn và một số nơi khác còn cung cấp sản phẩm phục vụ công cuộc kháng chiến giành thắng lợi của dân tộc ta. Họ đã rèn những vũ khí thô sơ cho Việt Minh (đao găm, lưỡi lê, kiếm), cho quân du kích (cọc sắt, xích sắt để ngăn sông). Năm 1954, cũng tại đình, “Liên đoàn rèn” được thành lập. Mọi hoạt động của ngành rèn được tổ chức tại đây. Sau ngày hoà bình, để phục vụ cho công cuộc khối phục và dựng xây đất nước, phố Lò Rèn lại liên tục đỏ lửa. Và cho đến tận ngày hôm nay, sản phẩm của nghề thủ công này vẫn luôn đáp ứng được nhu cầu thị trường trong thành phố Hà Nội và một số vùng lân cận.
Đình Lò Rèn được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2000./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01