Nhiếp ảnh

Hà Nội - một thành phố trong nhiếp ảnh

Thụy Phương 07:11 23/04/2023

Từ ngày 21/4 – 3/6/2023, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội diễn ra triển lãm “Hà Nội – Một thành phố trong nhiếp ảnh”. Triển lãm nằm trong chuỗi sự kiện của Dự án Photo Hanoi’23 - Biennale nhiếp ảnh quốc tế do Viện Pháp tại Việt Nam và Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của UBND Thành phố Hà Nội. Các tác phẩm mang tới cho công chúng những trải nghiệm về sự đa dạng trong cách biểu đạt của ngôn ngữ nhiếp ảnh.

“Hà Nội – Một thành phố trong nhiếp ảnh” do họa sĩ Nguyễn Thế Sơn làm giám tuyển, quy tụ 16 nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước, đó là: Alexandre Garel, Khổng Việt Bách, Diego Cortizas, Lolo Zazar, Peter Steinhauer, Sébastien Laval, Veronika Radulovic, Ben Reich, Bert Danckaert, Nguyễn Hữu Bảo, Nguyễn Thế Sơn, Lê Thịnh, Lê Xuân Phong, Nguyễn Duy Kiên, Maika Elan, Phạm Tuấn Ngọc.  

16 tác giả là 16 cách tiếp cận nhiếp ảnh như một ngôn ngữ nghệ thuật riêng. Phạm Tuấn Ngọc, Peter Steinhauer, Nguyễn Duy Kiên, Nguyễn Hữu Bảo tiếp cận bằng những kỹ thuật nhiếp ảnh truyền thống trong buồng tối với phim đen trắng âm bản. Maika sử dụng những phương tiện máy ảnh nhựa lomo “rẻ tiền”. Lê Thịnh sử dụng những loại máy ảnh phim có đầu ống kính quay 360 độ. Nguyễn Thế Sơn, Maika sử dụng máy phim màu. Peter Steinhauer sử dụng máy phim lớn. Lê Xuân Phong sử dụng máy ảnh số từ loại nhỏ như điện thoại. Bert Danckaert và Peter Steinhauer sử dụng loại máy số medium format Phase One. Alexandre Garel sử dụng thủ pháp của nhiếp ảnh tài liệu và nhiếp ảnh kiến trúc. Veronika Radulovic sử dụng thủ pháp sắp đặt nhiếp ảnh… 

anh-pho-to.jpg
Triển lãm mang tới cho công chúng những trải nghiệm về sự đa dạng trong biểu đạt của ngôn ngữ nhiếp ảnh.

Dù mỗi nghệ sĩ có cách tiếp cận và kỹ thuật cũng như thiết bị máy móc riêng nhưng tất cả đều có một điểm chung trong cách sử dụng nhiếp ảnh như một ngôn ngữ nghệ thuật, đó là cố gắng biểu đạt một câu chuyện hay một ý niệm nghệ thuật riêng biệt. Các tác phẩm thường được xây dựng như một dự án nghệ thuật, dự án hình ảnh với những ý tưởng nghệ thuật có khi được xây dựng từ trước khi thực hiện việc chụp ảnh. Nhiều bộ tác phẩm của các tác giả ở đây đã từng được trưng bày trong các không gian gallery nghệ thuật, Bảo tàng nghệ thuật ở trong nước và quốc tế.

anh-trien-lam-nhiep-anh-2(1).jpg
Một số tác phẩm được giới thiệu trong triển lãm.

Đến với triển lãm, công chúng sẽ có thêm những góc nhìn về Hà Nội qua các sáng tác trải dài trong suốt nhiều năm, ở nhiều thời điểm khác nhau. Đó là Hà Nội trước năm 1954, Hà Nội thời “bao cấp”, Hà Nội thời “mở cửa” và Hà Nội thời hội nhập toàn cầu… Một Hà Nội Hà Nội trong mắt các nghệ sĩ dẫu phải trải qua những biến cố lịch sử hay những thay đổi khốc liệt đến thế nào thì vẫn luôn có một đời sống đô thị phong phú và hấp dẫn. Một Hà Nội không trùng khít hay giống nhau trong tác phẩm của mỗi tác giả. Và những câu chuyện cá nhân hay những suy tư riêng biệt của từng tác giả đưa ra cho công chúng thấy những “hiện thực” rất đa dạng và khác biệt đến muôn mặt của Hà Nội. 

anh-trien-lam-nhiep-anh.jpg
Công chúng sẽ có thêm những góc nhìn về Hà Nội qua các sáng tác trải dài trong suốt nhiều năm.

Bên cạnh đó, các tác phẩm cho thấy những cách thức hoàn thiện in ấn và trưng bày theo tiêu chuẩn về mỹ thuật với những điều kiện khá đặc thù với những chất liệu giấy chuyên dụng có tiêu chuẩn in mỹ thuật phổ biến trong trưng bày tại các gallery và bảo tàng nghệ thuật trên thế giới hiện nay, vốn dĩ điều vẫn còn rất thiếu hụt trong thực hành về nhiếp ảnh nghệ thuật/ mỹ thuật trong bối cảnh ở Việt Nam nói chung, và tại Hà Nội nói riêng.

Đáng chú ý, ngoài các tác phẩm chính của 16 tác giả, trong khuôn khổ của triển lãm còn có phần trưng bày các bức ảnh đen trắng chụp những gánh hàng rong thời đầu thế kỷ 20 của nhiều nhiếp ảnh gia người Pháp và loạt hình ảnh màu phục dựng 3D tái hiện kiến trúc, bối cảnh của những những ngôi nhà với kiến trúc Đông Dương đặc sắc của kiến trúc sư Đàm Quang Trung như một phần đối thoại với không gian di sản của Hội quán Quảng Đông, nơi từng là một trong những điểm giao thương buôn bán tấp nập nhất trong khu Phố cổ Hà Nội suốt những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20./.  

 

   

Thụy Phương